Chân dung Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump được ghép bằng gốm Đồng Nai. Nguồn: dangcongsan.vn |
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 vừa khép lại với nhiều thành công rực rỡ, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế, các chính trị gia, du khách trong nước và nước ngoài. Góp phần tạo nên ấn tượng đẹp đó có món quà ý nghĩa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC. Đó là bộ tranh ghép gốm "Chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017" do chính những bàn tay tài hoa của nghệ nhân xứ gốm Đồng Nai tạo nên.
Có mặt tại Hà Nội tham dự Triển lãm tranh ghép gốm Đồng Nai “Chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017” diễn ra từ ngày18-21/11/2017, ông Mai Văn Nhơn, Trưởng nhóm họa sĩ-nghệ nhân của tỉnh Đồng Nai, người tạo ra bộ tranh gốm tuyệt đẹp ấy đã có cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN.
Trong câu chuyện, họa sĩ, nghệ nhân Mai Văn Nhơn kể rằng ông mới bắt đầu làm tranh gốm cách đây hơn mười năm, trước đó ông chủ yếu vẽ tranh sơn dầu.
Với tranh gốm, họa sĩ đã gửi một số đi dự triển lãm mỹ thuật, trong đó bức chân dung “Bà mẹ Việt Nam” đã giành giải Nhất tại Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Đồng Nai cách đây chừng 3-4 năm. Ông cũng từng tham gia một số triển lãm tranh sơn dầu, nhưng bao nhiêu tâm huyết ông dồn hết vào làm tranh gốm tả thực.
Quá trình lao động nghệ thuật của ông là quá trình nghiên cứu qua nhiều loại hình, nhiều thể loại tranh khác nhau. Tuy nhiên, một sự kiện ông Nhơn không bao giờ quên khi đến với tranh gốm là ông từng tham gia làm “Con đường gốm sứ” ven sông Hồng – một dự án nghệ thuật cộng đồng lớn chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Khi ấy, ông đã hoàn thành hơn 100m2 “đường” gốm sứ.
Dấu mốc trên con đường đến với tranh ghép gốm của họa sĩ Mai Văn Nhơn bắt đầu từ Hội nghị Cấp cao APEC 2006 tổ chức tại Hà Nội. Thời điểm đó, với tư cách là Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Đồng Nai, ông Nhơn dẫn đầu đoàn doanh nghiệp tỉnh tham gia sự kiện. Chứng kiến Công ty Tuần Châu Ngọc Việt làm những bức chân dung bằng đá quý tặng nguyên thủ các nước thành viên APEC, ông nảy ra ý tưởng sẽ dùng một chất liệu gì đó sẵn có tại địa phương để làm ra những bức chân dung tương tự.
Yêu hội họa từ nhỏ, đến năm 13 tuổi cậu bé Nhơn đã vẽ được rất nhiều tranh đẹp. Thủa ấy, ngoài giờ học, mỗi tuần, cậu thường nhận vẽ 3-4 bức pano lớn cho rạp chiếu bóng nơi mình sinh sống.
Theo năm tháng, tình yêu hội họa trong ông cứ thế lớn dần. Bởi vậy, khi chứng kiến những bức tranh sơn dầu mình vẽ cứ hỏng dần theo thời gian, ông vô cùng tiếc. Và ý tưởng có sẵn trước đó qua thực tế đã được ông chuyển thành tâm niệm: Làm sao để tạo ra những tác phẩm lâu bền từ chất liệu sẵn có. May mắn được sinh ra và lớn lên ở xứ Biên Hòa (Đồng Nai), nơi nổi tiếng với nghề gốm nên gốm là chất liệu đầu tiên ông nghĩ đến.
Nghĩ là làm. Năm 2007, ông Nhơn bắt đầu nghiên cứu về gốm. Ông đã đi khắp các lò nung trong vùng để thử nghiệm màu men, thậm chí ông còn chủ động xây cả một lò nung cỡ nhỏ để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Thời gian đó, ông vẫn là cán bộ đầu ngành ở tỉnh Đồng Nai nên việc nghiên cứu, thử nghiệm màu men cũng như nung gốm thường được ông thực hiện ngoài giờ và vào buổi tối.
Theo dòng hồi tưởng, niềm vui ánh lên trong mắt người họa sĩ tài hoa ấy. Ông kể rằng trong gia đình mình, bố và các anh em ông mỗi người đều biết “chút ít” về nghệ thuật, nhưng hầu như không ai làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Do đặc thù công việc, ông sống một mình ở thành phố Biên Hòa, còn gia đình sống ở thị xã Long Khánh. Mỗi người một việc nên sự hỗ trợ trực tiếp từ gia đình là không nhiều, thay vào đó ông lại có được sự hỗ trợ, cộng tác rất lớn từ bạn bè, đồng nghiệp. Nhóm của ông có lúc lên tới mười mấy người, gồm cả kỹ sư hóa học, thợ nung lò, thợ gốm lão thành ở Đồng Nai.
Chứng kiến việc ông “ăn, ngủ cùng gốm”, nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã phải thốt lên rằng: Gốm được tạo ra từ đất, nước và lửa nhưng gốm của ông Nhơn được nung bẳng chính ngọn lửa trái tim ông.
Mỗi lần như vậy, người đàn ông mang cặp kính trắng nhìn “rất tri thức” ấy luôn nhã nhặn: “một trong những công việc của họa sĩ là tìm ra đề tài mới, hướng sáng tác mới, bao gồm cả việc tìm ra chất liệu mới”.
Đến giờ thì nghệ nhân Mai Văn Nhơn đã làm chủ cả nghìn công thức men màu gốm cho phép sáng tạo nhiều sắc thái biểu cảm của con người. Đây là một thành công quan trọng về khả năng chủ động màu sắc của men gốm, khẳng định tính đa sắc màu của gốm Việt hiện đại.
Ông Hoàng Ngọc Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Chiến Thắng hào hứng: Cách đây mấy năm, đang vất vả tìm kiếm món quà tặng đại diện các nền kinh tế thành viên APEC thì chúng tôi được biết ông Nhơn với nghệ thuật tranh gốm. Chúng tôi đề nghị ông làm thử bức tranh đầu tiên về chân dung Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Không nằm ngoài mong đợi của chúng tôi, bức tranh này được hoàn thành một cách suất sắc.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “thử thách” thêm ông Nhơn khi yêu cầu ông làm 2 bức tranh ghép gốm đen trắng chân dung 2 nguyên thủ khác. Ông Nhơn cùng nhóm của mình đã vượt qua được thử thách và Dự án nghệ thuật làm bộ tranh lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC 2017 ra đời. Dự án được Công ty Cổ phần Chiến Thắng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ OSSSO hợp tác đầu tư cùng nhóm họa sĩ-nghệ nhân do họa sĩ Mai Văn Nhơn đứng đầu, triển khai trong 2 năm 2016-2017.
Còn với họa sĩ Mai Văn Nhơn, ông coi đây là một cơ duyên khi may mắn được nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai giới thiệu và được Văn phòng Chính phủ chấp thuận cho làm quà tặng các vị lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC 2017.
Nếu ai đã từng làm gốm hoặc có chút kiến thức về nghề gốm, đều biết rằng men gốm khi chưa nung không thể hòa lẫn màu nọ với màu kia như sơn dầu. Làm được bức tranh ghép gốm tả thực như nhóm của ông Nhơn là thách thức không nhỏ đối với nhiều họa sĩ.
Để hoàn thành một bức tranh, ông Mai Văn Nhơn cùng nhóm họa sĩ-nghệ nhân tỉnh Đồng Nai cần trên dưới một tháng.
“Các công đoạn để cho ra đời một bức tranh ghép gốm rất công phu. Ban đầu là lựa chọn những tấm ảnh chân dung của nhân vật; chọn một tấm chuẩn và dùng rất nhiều tấm khác tham khảo, rồi thể hiện trên tranh sơn dầu. Tiếp đến là nung gốm cho ra màu cần thiết. Nếu như họa sĩ dùng cọ để vẽ thì chúng tôi dùng kìm bẻ từng mảnh gốm nhỏ để ghép. Có khi chỉ một nụ cười mà ghép rất nhiều mảnh gốm nhỏ để có được các gam màu chuẩn”- họa sĩ Nhơn trải lòng.
Làm bạn của họa sĩ Mai Văn Nhơn từ rất nhiều năm, ông Hoàng Ngọc Nam luôn coi trọng tài năng của bạn mình. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, ông Nam cùng các thành viên trong dự án đã có sự so sánh và nhận ra rằng, nếu để làm bức tranh ghép gốm tả thực thì phải có một lượng màu men gốm rất lớn. Thật may là nhóm của ông Nhơn đã chủ động được màu men. Điều này giúp giải bài toán làm thế nào có đủ màu để tả thực trong tranh gốm. “Tôi cũng có lần chê nhẹ bức tranh chân dung bà Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc), do anh Nhơn chế tác. Bị chê, anh Nhơn đã nhiều đêm không ngủ, tiếp tục mày mò để hoàn thiện bức tranh”- ông Nam thán phục.
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí giới thiệu về bộ tranh gần đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo ghi nhận: Bộ tranh được chế tác dựa trên chân dung các nhà lãnh đạo, đã được các tác giả lựa chọn kỹ lưỡng, có góc chụp đẹp, với biểu cảm tự nhiên đặc trưng của từng nhân vật. Bằng những mảnh gốm nhiều màu, được nung ở nhiệt độ cao, các nghệ nhân tài hoa đã sử dụng kỹ thuật thủ công tinh xảo cắt thành nhiều mảnh to nhỏ phù hợp, ghép chính xác đến từng chi tiết, tạo nên những bức tranh chân dung tuyệt đẹp... Bên cạnh đó, khung tranh được thiết kế lịch sự với màu sắc hài hòa, góp phần tôn lên vẻ đẹp, sự trang trọng của từng bức tranh. Sau khi hoàn thành, bộ tranh được các cơ quan chức năng, giới chuyên môn thẩm định, đánh giá cao về chất lượng cũng như tính mỹ thuật.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã sử dụng nhiều tác phẩm trong bộ tranh này làm quà tặng cho một số lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Số còn lại, Thủ tướng sẽ trao tặng thông qua đại sứ quán các quốc gia, vùng lãnh thổ tại Việt Nam.
Để giới thiệu dòng tranh mới tới công chúng, ông Nhơn cùng các thành viên của dự án đã quyết định tổ chức triển lãm tranh ghép gốm Đồng Nai “Chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017” tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11 và 12/2017. Triển lãm quy tụ những bức tranh quý ghép bằng gốm Đồng Nai, một số bức ảnh chụp các tranh ghép gốm, phác họa chân dung 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC 2017. Triển lãm cũng giới thiệu các bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Là người có duyên lại may mắn hay được tham khảo ý kiến về những món quà tặng cấp quốc gia, thể hiện giá trị, bản sắc văn hóa của Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: Ghép gốm là loại hình nghệ thuật rất phổ biến từ cổ xưa trên thế giới, song mỗi nơi có một sắc thái riêng. Tôi chưa bao giờ được nhìn một sản phẩm có sắc thái, có khả năng thể hiện một cách mỹ thuật mà lại chân thực như tranh ghép gốm Đồng Nai của nhóm ông Nhơn đã làm.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Đồng Nai là vùng đất cổ truyền nổi tiếng của gốm. Tuy nhiên, nghề làm gốm ở đây đang dần mai một, hầu hết các lò gốm ở ven sông Đồng Nai đều đã tắt lửa. Triển lãm lần này là sự khích lệ đối với tác giả, những nghệ nhân làm gốm, đồng thời là sự gợi mở cho tỉnh Đồng Nai thúc đẩy phát triển một dòng tranh mới - tranh ghép gốm. Trực tiếp làm ra những bức tranh gốm tuyệt đẹp ấy, họa sĩ, nghệ nhân Mai Văn Nhơn chỉ có một tâm nguyện là được tiếp tục làm tranh gốm sau khi hoàn thành bộ tranh gốm về chân dung 21 vị lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC 2017.
Còn người bạn và cũng là đối tác của ông bật mí thêm, các bên tham gia dự án đang dự định thành lập một công ty để sản xuất tranh ghép gốm. Ý tưởng tạo ra hai dòng tranh cao cấp và phổ thông cũng đã được bàn thảo.