Những người 'giữ lửa' nghề làm đồ chơi truyền thống

Xã hội càng phát triển, những trò chơi hiện đại gắn với công nghệ số - cuộc sống số cũng phát triển theo. Dù vậy, vẫn có những người đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, đang âm thầm, lặng lẽ dốc lòng nuôi dưỡng mạch nguồn bảo tồn nghề làm đồ chơi truyền thống.

1. Dù năm nay đã bước sang tuổi 73 nhưng bà Phạm Nguyệt Ánh, nhà ở tổ 2, phố Kiến Thiết, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) vẫn rất minh mẫn. Bà Ánh đã gắn bó với nghề làm đồ chơi bằng bột đến nay đã gần 50 năm (1973 - nay 2022).  

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh hướng dẫn các bé làm hoa quả bằng bột.

Bà Phạm Nguyệt Ánh cho biết, khi còn nhỏ bà thường giúp cha mẹ đi nhận đồ chơi bằng bột để bán tại cửa hàng của nhà tại 78 phố Đồng Xuân. Sau này do một số nguyên nhân, loại đồ chơi này không còn ai làm nữa, do vậy từ 1973 bà Ánh đã mày mò, tìm hiểu và cố gắng khôi phục loại đồ chơi này. Nhờ có sự khéo tay và đam mê bà đã dần khôi phục được một số đồ chơi truyền thống.  

Vào những năm 2000, đồ chơi bằng bột do bà làm ra bán được rất ít bởi không thể cạnh tranh với đồ chơi ngoại nhập. Mặc dù vậy, bà Ánh vẫn cố gắng duy trì nghề, hàng năm vào dịp tết Trung thu bà vẫn mang sản phẩm của mình gửi bán tại Hàng Mã, chợ Đồng Xuân.

Những đóng góp của bà Ánh đã được các cơ quan, tổ chức văn hóa, giáo dục ghi nhận. Năm 2010 bà đã được mời sang Hàn Quốc để trình diễn và giới thiệu về đồ chơi bột.

2. Không riêng gì bà Ánh, ông Nguyễn Văn Hòa, nhà ở số 73 phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đau đáu về nghề làm đồ chơi truyền thống.

Ông Hòa làm mặt nạ giấy bồi đã được hơn 40 năm, lúc đầu ông cũng chỉ là phụ giúp để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Qua quá trình làm ông dần có sự yêu thích, bởi vậy có những giai đoạn hàng không bán được bởi mặt nạ nhựa và đồ chơi của ngoại bán tràn lan nhưng ông vẫn không bỏ nghề. Trong quá trình làm ông luôn có sự tìm tòi, cải thiện cách làm để làm ra những chiếc mặt nạ đẹp và bền. Bởi vậy hàng của nhà ông luôn được mọi người ưa thích, đây cũng là động lực để ông và vợ mình tiếp tục duy trì nghề.

Đối với nghề làm mặt nạ, phương châm của ông là phải làm đẹp, làm có chất lượng và phải giữ uy tín. Có khi khách đặt hàng nhiều, cần giao gấp ông cũng không làm ẩu dù phải liên tục thức đêm để làm cho kịp.  

Ông Hòa luôn mong muốn những chiếc mặt nạ của mình được trẻ em yêu thích, nên đã không ngừng nắm bắt nhu cầu của các em để tạo ra những mẫu mã, hình thức thể hiện mới mẻ, sinh động và an toàn cho những chiếc mặt nạ giấy bồi.  

3. Còn với bà Nguyễn Thị Tuyết, ở thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) lại có niềm đam mê làm đèn sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy… nhờ mẹ là cụ Nguyễn Thị Tảo truyền dạy từ nhỏ. Khi bà Tuyết 10 tuổi, bà đã tự mình làm hoàn thiện đèn ông sao và giúp mẹ mang bán các loại đồ chơi của nhà làm tại các chợ trong xã.

Theo bà Tuyết, vào những năm 1990 - 2000 đồ chơi dân gian đã bị mai một do bị đồ chơi ngoại nhập xâm nhập vào, bởi vậy có một thời gian gia đình bà không làm đồ chơi này nữa. Năm 2002 bà được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời tham gia hướng dẫn làm đồ chơi cho trẻ em, qua đó bà đã hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì nghề. Và cũng từ đó, những đồ chơi do bà làm ra đã được nhiều người biết đến. Nhiều cơ quan, tổ chức đã mời bà đến hướng dẫn về đồ chơi dân gian cho trẻ em như: Nhà Di sản phố cổ, Ban quản lý phố cổ, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung tâm triển lãm Vân Hồ…  

Qua các chương trình, hoạt động trên bà Tuyết thấy tự hào và càng thêm trân trọng nghề truyền thống của gia đình. Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Tôi cảm thấy rất vui vì đã góp phần giữ lại được những đồ chơi dân gian với các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn. Tôi mong muốn đồ chơi dân gian sẽ không bị mất đi bởi đây là những đồ chơi giản dị nhưng ý nghĩa. Tôi cũng mong muốn có nhiều cơ quan, tổ chức quan tâm đến hoạt động giáo dục để trẻ em có thể giao lưu với thợ thủ công, từ đó lan tỏa nghề làm đồ chơi dân gian được phổ biến nhiều hơn nữa”.  

 

Viết Tôn/Báo Tin tức
Dốc lòng làm sống lại đồ chơi dân gian
Dốc lòng làm sống lại đồ chơi dân gian

Trong những năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn là địa chỉ tin cậy của các em thiếu nhi Thủ đô mỗi dịp Trung thu tháng Tám. Nhờ có sự kết nối giữa bảo tàng và các nghệ nhân dân gian, nên việc bảo tồn, hướng dẫn các em thiếu nhi làm đồ chơi truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học đã làm sống lại đồ chơi dân gian.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN