Thông thường, qui trình chuyển giao người kế nhiệm nhà mốt thời trang đòi hỏi phải chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo phù hợp để giám sát doanh nghiệp một cách sáng tạo và khuếch trương tinh thần của nhà thiết kế gốc.
Tuy nhiên, nhà thiết kế Kamali lại có kế hoạch khác, đó là phát triển một phiên bản AI của chính bà để hỗ trợ đồng nghiệp trong tương lai.
Trong nhiều tháng, bà đã làm việc với Maison Meta, một công ty chuyên về AI, để xây dựng một công cụ tùy chỉnh có thể tạo ra các thiết kế mới dựa trên tình thần sáng tạo của bà thông qua các thiết kế từ trước đến nay.
Họ đã đưa hàng nghìn hình ảnh từ kho lưu trữ của thương hiệu vào mô hình, dạy nó bản chất của phong cách của nhà thiết kế này.
Mục đích không phải là để máy móc thay thế các nhà thiết kế của con người. Kamali cho rằng AI có những giới hạn của nó và nó sẽ yêu cầu những người có ý tưởng độc đáo sử dụng nó một cách tốt nhất.
Đến một ngày Kamali không còn nữa, nhóm của bà ấy vẫn có thể phát huy khả năng sáng tạo và tinh thần thiết kế như khi bà còn sống.
Bà nói: "Mô hình sẽ bắt đầu từ bộ não của tôi, để khi tôi đào tạo những người khác ở đây làm theo những gì tôi đã làm, di sản của công ty có thể tiếp tục theo đúng nghĩa đen”.
Công nghệ AI mang lại cho công ty Kamali những màu sắc thú vị và giá trị mà trước đây chưa hề nghĩ tới. Sự xuất hiện của công nghệ này trong làng thời trang đã khiến các thương hiệu và nhà bán lẻ chạy đua tìm cách sử dụng nó.
Nhiều nhà thiết kế đang thử nghiệm AI để viết mô tả sản phẩm và hỗ trợ chatbot, trong khi các nhà thiết kế như Hillary Taymour, giám đốc sáng tạo của Collina Strada và Julius Juul của nhãn hiệu Đan Mạch Heliot Emil đang chuyển sang sử dụng AI tạo hình ảnh để nâng cao giới hạn sáng tạo của họ.
Trong ngành thời trang, AI đang được sử dụng như một đối tác trong thiết kế thay vì thay thế hoàn toàn vai trò của con người.
Các nhà thiết kế vẫn đóng vai trò là người thu thập ý tưởng và tạo ra các lựa chọn sáng tạo dựa trên các sản phẩm, chủ đề và hình ảnh cảm hứng trước đây.
AI phụ trách xử lý các thiết kế chưa hoàn thiện và cung cấp nhiều mô hình 3D để các nhà thiết kế lựa chọn hoặc sử dụng làm nguồn cảm hứng.
Một trong những lợi ích chính của AI trong thời trang là khả năng tùy chỉnh sản phẩm trên quy mô lớn.
Các công ty sử dụng AI để đề xuất màu sắc và kiểu dáng quần áo dựa trên phân tích khách hàng, cho phép tạo ra các sản phẩm được cá nhân hóa, tăng niềm tin của người mua và giảm tỷ lệ hoàn trả.
Đối với một nhãn hiệu do người sáng lập lãnh đạo, việc kế nhiệm là một vấn đề quan trọng. Nhiều công ty được thành lập bởi những người sáng lập như Helmut Lang và Ann Demeulemeester đã gặp khó khăn sau sự ra đi của họ. Vì vậy, sự giúp đỡ từ AI có thể là một “cứu cánh” cho những thương hiệu thời trang cá nhân.
Tuy nhiên, các nhà thiết kế cũng phát triển theo thời gian. Một công ty có thể trì trệ nếu quá tập trung vào quá khứ.
Kamali cho biết nếu công ty của bà định sử dụng AI thì họ phải tạo ra những ý tưởng kết hợp những gì bà đã làm trong quá khứ thành một thứ gì đó độc đáo và sáng tạo.
Bà nói: "Khi một nhà thiết kế thiết kế một bộ sưu tập, nó phải có linh hồn. Đôi khi tôi cảm thấy như các thiết kế AI thật vô hồn".
AI đang biến đổi thế giới thời trang, song dù phát triển đến đâu đi chăng nữa, công nghệ này sẽ không bao giờ có thể thay thế được “sự sáng tạo nguyên bản” của các nhà thiết kế.