Đã ở tuổi 73, nhưng ông Nguyễn Trọng Nguyên, Câu lạc bộ (CLB) chèo làng Hạ, Cao Thượng, Tân Yên (Bắc Giang) vẫn say sưa với chiếu chèo, với những điệu múa, những câu hát thấm đượm tình yêu quê hương đất nước. Ông đã dành hơn nửa cuộc đời để "giữ lửa" cho nghệ thuật độc đáo này, giúp cho chiếu chèo làng Hạ ngày càng nức tiếng gần xa.
Để bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc, rất cần những trái tim tâm huyết. |
Sinh ra trên mảnh đất nổi tiếng với những làn điệu chèo cổ, những điệu chèo cứ ngấm dần vào máu, vào trái tim ông Nguyên từ bao giờ không hay. Cũng vì lẽ ấy mà tới nay chèo làng Hạ nức tiếng tới đâu thì cái tên Nguyễn Trọng Nguyên lại được biết tới đó. Bởi hầu hết những vở chèo, những tiểu phẩm chèo đều do ông sáng tác kịch bản và trực tiếp dàn dựng, cho nên người ta thường gọi ông là đạo diễn. Không những thế, ông còn là một bạn diễn lý tưởng và chuyên nghiệp.
“Gia đình không ai theo nghiệp cầm ca nhưng niềm say mê văn nghệ, ca hát đã hình thành ngay từ bé. Tiếng hát chèo đượm đà đã cuốn hút tôi ” - ông Nguyên tâm sự. Năm 1962, ông đã tham gia CLB chèo của làng. Những ngày mới tham gia CLB, ông chỉ vào vai “nhắc vở” cho diễn viên. Song bằng tài năng, cũng như niềm say mê với nghệ thuật chèo, năm 1964, ông đã sáng tác vở chèo đầu tiên mang tên “Bên nương dâu”. Từ năm 1964 tới năm 1973, ông đều đảm nhận vai trò của người sáng tác kiêm đạo diễn những vở chèo cho CLB chèo đi dự thi Hội diễn cấp huyện và cấp tỉnh hàng năm. Trong đó có hai vở đã mang về Huy chương Vàng cho chiếu chèo làng Hạ, đó là vở chèo “Người con út” năm 1966 và vở chèo “Chị Cúc” năm 1973, được công diễn tại Hội diễn văn nghệ cấp tỉnh. Năm 1976, ông được cử đi học tại trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc (cũ). Sau đó ông trở về địa phương, tiếp tục nghiệp sáng tác và đạo diễn chèo. Ông Dương Văn Thi, Chủ nhiệm CLB chèo làng Hạ cho biết: Ông Nguyên là một người tâm huyết với chiếu chèo và đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển chèo làng Hạ. Những vở chèo, những ca khúc do ông sáng tác và đạo diễn đều được đánh giá cao, được công chúng đón nhận nhiệt tình.
Ở tuổi 73, ít ai lại có một giọng hát hào sảng, đầm ấm và những động tác khỏe khoắn mà không kém phần dẻo dai như ông Nguyên. Từ chất liệu cuộc sống cùng tài năng của mình, "đạo diễn" Trọng Nguyên không chỉ "thai nghén" và sáng tác nhiều tác phẩm cho đội chèo của làng, mà ông còn sáng tác các vở chèo cho đội văn nghệ của các xã lân cận, của trường THPT và các ngành. Những tác phẩm này đã giành giải cao tại Hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện, của tỉnh. Đến nay, ông đã dàn dựng tới vài chục vở chèo lớn cũng như hàng trăm tiểu phẩm chèo với nội dung phong phú, phù hợp với truyền thống của dân tộc, của quê hương.
Ngoài việc sáng tác và đạo diễn, nhiều năm nay, ông Nguyên cùng những người cao tuổi dạy hát chèo cho con em trong làng, ngoài xã. Ông trăn trở: Thế hệ trẻ bây giờ không còn yêu quý chèo như xưa, vì vậy, phải làm sao cho các cháu hiểu được chèo, hiểu được cái hay của chèo, dù không theo nghiệp chèo nhưng ai cũng biết đến chiếu chèo quê mình, để cho nghệ thuật chèo không bị mai một theo tháng năm.
Đồng Thúy