Cụ thể, ở nội dung đồng đội 20 nam, giải Nhất thuộc về đội huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu; giải Nhì thuộc đội Quỳnh Nhai 1, tỉnh Sơn La; giải Ba thuộc đội thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đồng đội 20 nam, nữ phối hợp và đồng đội 10 nam, đội xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) giành giải Nhất. Đồng đội 10 nữ, đội xã Chiềng Ơn (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) giành giải Nhất. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải Nhì và Ba ở các nội dung cho đội đoạt giải.
Lễ hội đua thuyền truyền thống Quỳnh Nhai năm nay thu hút 16 đội, với 450 vận động viên tham gia. Trong đó, 11 đội đến từ các xã trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai và Câu lạc bộ đua thuyền Quỳnh Nhai; 4 đội còn lại đến từ thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) và các huyện Nậm Nhùn, Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Các đội tham gia đua tài ở cự ly 1.500m với 4 nội dung: Đồng đội 20 nam; đồng đội 20 nam, nữ phối hợp; đồng đội 10 nam và đồng đội 10 nữ.
Sau 2 năm tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay, lễ hội được tổ chức trở lại với quy mô lớn hơn, thu hút đông đảo du khách tới xem. Em Quách Thị Thùy Trang, du khách đến từ thành phố Sơn La chia sẻ, đây là lần đầu đến xem lễ hội đua thuyền, em cảm thấy không khí đua tài rất sôi nổi, phấn khởi và vui vẻ. Năm tới, em sẽ tiếp tục cùng gia đình và bạn bè đi xem, cổ vũ cho các đội.
Từ khi xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La, cuộc sống của người dân Quỳnh Nhai đã gắn liền với sông nước, chèo thuyền và trở thành hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Cũng bởi vậy, vào dịp tháng Giêng hàng năm, huyện Quỳnh Nhai lại tổ chức lễ hội đua thuyền để duy trì nét đẹp và bản sắc văn hóa truyền thống, tạo bầu không khí thi đua sôi nổi, đoàn kết dân tộc. Đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với du khách về tiềm năng du lịch cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống về mảnh đất và con người nơi đây.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai Lò Thanh Thủy cho biết: Quỳnh Nhai là vùng đất còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ năm 2006, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về khởi công Nhà máy thủy điện Sơn La, Quỳnh Nhai là một trong 3 huyện của tỉnh phải di chuyển khu trung tâm huyện lỵ từ xã Mường Chiên đến bản Phiêng Lanh, xã Mường Giàng; đồng thời di chuyển 9 xã, 99 bản, 8.435 hộ dân và gần 40.000 nhân khẩu đến địa điểm mới. Đến tháng 4/2010, huyện Quỳnh Nhai đã hoàn thành công cuộc di dân tái định cư thủy điện Sơn La.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, trong thời gian qua, cùng với công cuộc xây dựng đời sống trên quê hương mới tại xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai đã đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Trong đó, tiêu biểu có lễ hội đua thuyền truyền thống gắn với thế mạnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh và sinh thái, với hơn 11.000 ha mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Lễ hội đua thuyền nằm trong khuôn khổ Tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2023, với mục đích tăng cường sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Thông qua hoạt động lễ hội còn nhằm góp phần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của cư dân sinh sống vùng ven hồ thủy điện Sơn La; đồng thời, tạo sân chơi bổ ích, tăng cường sự giao lưu, học tập giữa các địa phương.