Những tác phẩm 'Bom tấn'
Cụ thể, sẽ có 10 đêm diễn (từ 8-22/12), với 5 kịch mục, đều là “những vở gần đây nhất và chúng tôi tự cho là hay nhất, cuốn hút nhất với góc nhìn nghệ thuật mới mẻ nhất, giúp khán giả cảm nhận hơi thở của kịch nói nói chung và đặc biệt là cách tiếp cận khán giả của Nhà hát Kịch Việt Nam nói riêng trong thời gian qua”, như khẳng định của NSƯT Xuân Bắc.
Mở màn chuỗi các buổi biểu diễn chính là vở diễn “mới tinh tươm” của Nhà hát:
“Hồng lâu mộng”. Theo NSƯT Xuân Bắc, vở diễn này khi ra đời đã có rất nhiều người mong muốn được đi xem, nhưng Nhà hát quyết định “ém hàng” cho tới tận dịp này mới diễn.
Tiếp theo là một vở kịch đã dàn dựng khá lâu và cũng ít có cơ hội diễn lại bởi mỗi lần diễn phải dàn dựng sân khấu, cảnh trí, tập luyện khá công phu: Vở hài kịch nổi tiếng thế giới “Lão hà tiện”.
NSƯT Xuân Bắc giới thiệu về chương trình biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 65 năm Nhà hát Kịch Việt Nam. |
Vở kịch
“Kiều” được chọn diễn đúng tối 14/12, ngày diễn ra lễ kỷ niệm của Nhà hát; bởi đây cũng là vở diễn mang lại nhiều xúc cảm cho các nghệ sĩ cũng như người xem. Theo NSƯT Xuân Bắc cũng như NSND Anh Tú- Phó giám đốc phụ trách Nhà hát, mỗi lần biểu diễn “Kiều” đều để lại những cảm xúc rất tuyệt vời cho người xem. Vở “Kiều” cũng là một vở mà Nhà hát Kịch Việt Nam rất tự hào khi đã đưa một tác phẩm văn học hàng đầu Việt Nam lên sân khấu.
Vở diễn "Romeo và Juliet". |
Vở diễn thứ tư được chọn biểu diễn chính là
“Romeo và Juliet”, đây là vở kịch thể hiện sự táo bạo trong tìm tòi cũng như sự táo bạo trong việc giao những vai lớn, vai nặng ký cho các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam. “Đó cũng là một trong những định hướng rất quan trọng mà Ban giám đốc chúng tôi đã thực hiện- là phải tin tưởng lớp trẻ, giao cho lớp trẻ. Vở kịch có những điều rất mới lạ, hơi thở, cảm xúc, nhịp đập trái tim của các nghệ sĩ trẻ trên sân khấu đem lại những cảm xúc rất đặc biệt cho khán giả. Với các nghệ sĩ trẻ, cũng là vở diễn rất đặc biệt của họ, có diễn viên mỗi lần diễn lại đưa lên facebook là “Ôi, thế là đã xong một số phận”, Phó giám đốc Xuân Bắc cho biết.
Một Nhà hát có kỷ niệm gì thì kỷ niệm, mà không có những chương trình phục vụ khán giả, thì sức sống của Nhà hát phần nào đó đã không được ghi nhận, nên chúng tôi còn muốn diễn nhiều hơn nữa. |
Vở diễn cuối cùng của đợt này là vở kịch xã hội hóa, được nhiều người yêu thích “Bão tố Trường Sơn”. Theo Phó giám đốc Xuân Bắc: “Tới 98% đi xem vở này về đều cảm thấy đạo diễn rất giỏi, tác giả rất giỏi, diễn viên rất giỏi. Khán giả không có lý do gì để rời mắt khỏi vở diễn của chúng tôi”.
Cũng theo Phó giám đốc Xuân Bắc, cũng chính trong lịch diễn dày đặc của dịp kỷ niệm này, có một ngày các nghệ sĩ Nhà hát sẽ vắng mặt tại Hà Nội, mà lên phục vụ khán giả Bắc Giang, đó là ngày 20/12. “Có 1 đơn vị tha thiết đề nghị Nhà hát diễn vở “Bão tố Trường Sa” vào ngày này, “bao nhiêu tiền cũng được”, bởi đó là dịp kỷ niệm 22/12. Dù đang bận rộn cho dịp kỷ niệm, ban giám đốc đã họp và quyết định ngày 20/12 vẫn chiều lòng khán giả của mình để đi diễn; bởi khán giả, nhất là khán giả ở tỉnh đã yêu mến, tin tưởng đề nghị chúng tôi như vậy, không lý gì chúng tôi lại không đáp ứng. Và khi họ nói “bao nhiêu tiền cũng được” thì chúng tôi lại trả lời, không, không quan trọng ở đó nữa, mà là chúng tôi được biểu diễn cho khán giả yêu thích chúng tôi”.
Hành trình 5 năm nhiều cảm xúc
Tiền thân là Đoàn văn công Trung ương, Nhà hát Kịch Việt Nam được thành lập năm 1952, tại Chiến khu Việt Bắc. 65 năm xây dựng và trưởng thành, tính đến nay Nhà hát Kịch Việt Nam đã có 15 thế hệ diễn viên kế tiếp nhau, với hơn 25 NSND, 58 NSƯT. Nhà hát chính là “Anh Cả Đỏ”, “cánh chim đầu đàn” của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.
65 năm qua, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã tạo ra những thế hệ nghệ sĩ lừng danh- một thế hệ vàng của sân khấu kịch nói Việt Nam, với những tên tuổi như NSND Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Đào Mộng Long, NSND Nguyễn Đình Nghi… đến các thế hệ kế tiếp như NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Doãn Châu, NSND Phạm Thị Thành, NSND Phạm Bằng… Và thế hệ nghệ sĩ hôm nay còn đang sung sức trên sân khấu như NSND Lan Hương, NSND Anh Tú, NSND Tuấn Hải, NSND Lệ Ngọc, NSƯT Xuân Bắc…
10 buổi diễn với 5 kịch mục được các nghệ sĩ Nhà hát mang tới cho khán giả dịp này. |
Trải qua 65 năm, Nhà hát cũng đã dàn dựng và biểu diễn thành công hàng trăm vở diễn, trong đó có những vở diễn như “Luba”, “Khúc thứ ba bi tráng”, “Bài ca Điện Biên”, “Hồn Trương Ba- da hàng thịt”, “Nghêu, sò, ốc, hến”… là những vở diễn tiêu biểu, được khán giả trong nước cũng như công chúng nước ngoài đón nhận nồng nhiệt. Đây cũng là những vở diễn gây được tiếng vang lớn trong những kỳ LH sân khấu Quốc tế…
Thành công là như vậy, nhưng không phải không có những lúc tưởng chừng “tiếng vang”, danh tiếng “Anh cả đỏ”, “cánh chim đầu đàn” chỉ còn là dĩ vãng. Đặc biệt là thời điểm cách đây 5 năm, khi Nhà hát gần như bị “đóng băng”, không có vở diễn, không sáng đèn. Một thế hệ lãnh đạo mới đã được tăng cường cho Nhà hát từ Nhà hát Tuổi trẻ. Với những gương mặt như giám đốc Nguyễn Thế Vinh, Phó giám đốc Anh Tú, Xuân Bắc; cùng những nỗ lực của bản thân cán bộ, diễn viên Nhà hát, thật sự Nhà hát đã có bước “tìm lại những giá trị trong quá khứ”.
Lễ kỷ niệm 65 năm diễn ra ngày 14/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội với các nội dung: Chiếu phim tư liệu về nhà hát, biểu diễn trích đoạn “Romeo và Juliet”, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. |
5 năm qua thật sự là thời gian khởi sắc của Nhà hát với việc dàn dựng hàng loạt vở diễn “bom tấn”, đầy sáng tạo, đổi mới, không chỉ ở nội dung, hình thức, mà cả trong tư duy. Như chia sẻ của Phó giám đốc Phụ trách Anh Tú: “ Nhà hát có khởi sắc lớn, thay da đổi thịt, những vở diễn đã phục vụ được công chúng cả nước lẫn quốc tế”.
Hay như chia sẻ của nguyên giám đốc Nguyễn Thế Vinh: “ 5 năm vừa rồi, chúng tôi cùng nhau tìm lại cảm xúc của một Nhà hát sau khi gặp rất nhiều khó khăn của những ngày tháng tưởng như không thể vượt qua nổi, nhưng đã vượt qua và có được ngày hôm nay. Chúng tôi với tinh thần không gì không thể, bắt tay giải quyết từng khó khăn ; xây dựng một Nhà hát thật sự trở thành ngôi nhà của các nghệ sĩ khi đến làm việc và được biểu diễn. Không những thế, khán giả và các thế hệ nghệ sĩ đi trước cũng nhìn nhận và đánh giá những thành công ấy, nỗ lực ấy của Nhà hát Kịch Việt Nam. Chúng tôi đã vượt qua 1 chặng đường hết sức khó khăn”.
Chia sẻ rất thật lòng, nguyên giám đốc Nhà hát Nguyễn Thế Vinh khẳng định: Ít Nhà hát nào ở Việt Nam có được bước đi của mình trong tương lai và giá trị để mình hướng tới, đó là “Anh Cả Đỏ”, “cánh chim đầu đàn”.
Có lẽ, đây cũng là đích để các nghệ sĩ Nhà hát tiếp tục phấn đấu, cho rất nhiều lần 5 năm nữa...