“Mỹ Nhân”- phim chính sử của điện ảnh Việt

Dựa theo tiểu thuyết lịch sử cùng tên của NSUT Văn Lê và kịch bản do ông chuyển thể, đạo diễn trẻ Đinh Thái Thụy đã dựng thành một bộ phim điện ảnh cổ trang – chính sử có tên Mỹ Nhân.


Một cảnh trong bộ phim.

Tác giả Văn Lê đã sáng tác dựa trên những sự kiện có thật diễn ra trong thời kỳ đầy biến động của lịch sử Việt Nam với sự phân tranh quyền lực giữa 2 chúa Trịnh và chúa Nguyễn.

Bộ phim là câu chuyện về tranh đoạt ngôi vị chốn cung đình cùng những âm mưu thù hận cá nhân và tình yêu dục vọng của chúa Nguyễn Phúc Lan và con trai trưởng - thế tử Nguyễn Phúc Tần.

Khán giả sẽ được chứng kiến những âm mưu thâm độc và đầy bí hiểm chốn hậu cung giữa các phi tần kề cận các đấng quân vương. Đó là hai người phụ nữ có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành: một Thị Thừa mỏng manh yếu đuối và một Tống Thị sắc sảo nhiều mưu mô.

Thế tử Nguyễn Phúc Tần (Quách Ngọc Ngoan) gặp gỡ cô đào hát Thị Thừa (Triệu Thị Hà) trong một lần xem cô biểu diễn. Vẻ đẹp hiền dịu, những điệu múa, tiếng đàn ngân vang của cô làm say đắm lòng vị quân tử.

Phúc Tần trở nên mê mẩn, bí mật rước nàng về dinh. Bộ phim đã khắc họa mối tình của Phúc Tần với Thị Thừa, từ khi còn là thế tử, đến lúc trở thành Chúa thượng, ban đầu đẹp và trong sáng bao nhiêu, thì về sau lại nhiều ưu tư bấy nhiêu.

Cô đào hát Thị Thừa.

Ở đoạn kết phim, lễ cầu siêu hoành tráng do chúa Nguyễn Phúc Tần tổ chức cho Thị Thừa sau 30 năm như một lời minh oan mà các nhà làm phim muốn dành cho ông, một ông chúa vốn được dân gian coi là “Hiền Vương”.

Trong khi đó cha ông là chúa Nguyễn Phúc Lan (Trọng Hải) lại bị Tống Thị (Kim Hiền), người phụ nữ có nhan sắc, lẳng lơ, cuốn vào cuộc tình mới. Tống Thị chính là bà chị dâu góa chồng của chúa Phúc Lan. Tống Thị đã nhận được sự sủng ái của Chúa thượng khiến triều đình nhiều lần rơi vào khó khăn khi quân vương bỏ bê việc triều chính.

Sau này Tống Thị còn quyến rũ tiếp người em chồng thứ hai là Phúc Trung. Hình ảnh Tống Thị cũng được xây dựng đa chiều, bên ngoài là một góa phụ đa đoan, xảo quyệt, mưu đồ khuynh đảo chốn kinh thành để dành ngôi vua cho con, nhưng bên trong lại ẩn chứa tình thương vô bờ bến dành cho ba cậu con trai mồ côi cha, ba cháu đích tôn của chúa Nguyễn Phúc.

Quách Ngọc Ngoan đã cố gắng thể hiện thần thái, nét cương nghị của vị quân tử văn võ song toàn, từng chỉ huy đội thuyền Việt Nam chiến thắng quân Hà Lan trong trận hải chiến Ô Lan. Đến khi trở thành Chúa thượng giỏi việc nước, lo mở mang bờ cõi. Thời đó ông (1620-1687) đã lệnh đưa quần đảo Trường Sa vào cai quản. Say đắm trong tình yêu với Thị Thừa không chỉ đem lại cho ông những cảm xúc thăng hoa, mà còn đem lại nhiều day dứt.

Vai diễn Tống Thị của Kim Hiền gây ấn tượng mạnh, đặc biệt đôi mắt có thần, diễn ra được nhiều trạng thái tình cảm của một phụ nữ đa mưu. Trong khi đó, lần đầu đóng vai chính phim điện ảnh, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 Triệu Thị Hà đã thể hiện rất tốt hình ảnh một cô gái không chỉ có vẻ đẹp dịu hiền, thuần khiết, mà còn đàn hay múa đẹp.

Tham gia bộ phim còn có các diễn viên Trọng Hải vai chúa Nguyễn Phúc Lan, Châu Thế Tâm vai Nguyễn Phúc Trung, Hà Việt Dũng vai danh họa Văn Thức, cùng các diễn viên Quang Hòa, Thạch Kim Long, Kiến An, Quang Hiếu…, tổng cộng gần 100 diễn viên.

Kim Hiền hóa thân vào vai Tống Thị.

Là một bộ phim lịch sử - cổ trang do Nhà nước đặt hàng Công ty TNHH-một thành viên phim Giải Phóng sản xuất, kinh phí có hạn, nhưng các nhà làm phim đã cố gắng tạo được một số cảnh quay hoành tráng như trận thủy chiến Ô lan, chiến trận Võ Xá, lễ cầu siêu.

Phim được quay tại Huế, Quảng Nam và Phan Rang. Phim có một số cảnh nóng, nhưng đủ đảm bảo quay nghệ thuật, cần thiết cho vai diễn. Tuy nhiên về phần phục trang, dù rất cố gắng, nhưng còn nhiều thiếu xót.

Trong bối cảnh phim Việt ra mắt liên tục, đa phần là phim hài nhạt nhẽo, thì phim lịch sử - cổ trang Mỹ Nhân của đạo diễn trẻ Đinh Thái Thụy được làm rất cẩn thận, nghiêm túc, dàn diễn viên đẹp, diễn tốt, rất đáng trân trọng.

Xem phim, khán giả không chỉ được thưởng thức những thước phim hay, mà còn biết thêm về một thời kỳ lịch sử đầy biến động của nước nhà, về những nhân vật từ Chúa đến Mỹ Nhân, đều có thực trong cuộc sống.






H. Minh
Ra mắt bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Ra mắt bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - bộ phim Việt Nam được chờ đợi nhất trong năm 2015 đã ra mắt công chúng. Và phim của Victor Vũ đã không phụ lòng mong ngóng của người xem khi mang đến cho khán giả những cảm xúc đặc biệt nhất: được trở về với tuổi thơ!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN