Mang Trung Thu tới mọi trẻ em
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, Trung Thu năm nay nhiều địa phương không tổ chức tập trung “Đêm hội trăng rằm” như hàng năm mà thay vào đó là các hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho hay, các hoạt động tổ chức Tết Trung Thu năm nay bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, những chương trình thăm hỏi, tặng quà như bánh kẹo, đồ chơi… cho trẻ em tại các “vùng xanh”, vùng an toàn không có dịch vẫn diễn ra để các em cảm nhận được không khí Tết Trung Thu. Đoàn Thanh niên và các địa phương sẽ phối hợp xây dựng các sân chơi văn hóa, nghệ thuật dưới hình thức trực tuyến (online) hoặc tặng quà động viên cho trẻ em tại khu cách ly, nơi áp dụng Chỉ thị 16/CT - TTg... nếu điều kiện cho phép. Hạn chế tới mức tối đa hoạt động đông người, nhưng không vì thế mà không tổ chức Trung Thu cho các em.
Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, nhiều hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ em tại các khu phong tỏa, cách ly, bệnh viện; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có cha, mẹ mất vì COVID -19 hay con em cán bộ y tế tuyến đầu, con thanh niên công nhân… đã được các đơn vị, tổ chức từ Trung ương tới địa phương thực hiện nhằm mang tới cho các em những món quà ý nghĩa để đón Tết Trung Thu trong điều kiện đầy đủ nhất có thể.
Chương trình Trung Thu cho em - “Lồng đèn thắp sáng ước mơ” do Hội đồng Đội Trung ương triển khai trong những ngày vừa qua đã trao tặng hơn 1.000 suất quà (gồm bánh kẹo, sữa, lồng đèn) cho thiếu nhi là con thanh niên công nhân khu công nghiệp và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại một số địa phương để đem tới một Trung Thu trọn vẹn cho các em. Chương trình sẽ được Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai tới ngày 21/9 với mục tiêu tặng quà Trung Thu cho khoảng 10.000 thiếu nhi tại các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động trao quà cho các em thiếu nhi không thể tổ chức tập trung. Bên cạnh những suất quà được trao trực tiếp, Hội đồng Đội Trung ương, Hội đồng Đội các tỉnh, thành sẽ ủy quyền cho Đoàn, Đội các cấp trao quà tới các em.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang bày tỏ mong muốn, những suất quà nhỏ này sẽ giúp các em thiếu nhi được vui Tết Trung Thu ý nghĩa, đồng thời cố gắng khắc phục khó khăn do dịch bệnh vươn lên học tập tốt.
Bên cạnh những hoạt động trao tặng quà, nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, đón Trung Thu trực tuyến cũng được nhiều đơn vị tổ chức nhằm góp phần giải tỏa tâm lý, nâng cao đời sống tinh thần cho các em thiếu nhi và gia đình, giúp mọi người luôn vững tin vượt qua những khó khăn trong đại dịch.
Trung Thu vẫn rộn rã trong lòng bao người
Những năm trước, khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát, ngay từ giữa tháng 7 âm lịch nhiều quầy hàng bán bánh Trung Thu đã được dựng lên trên vỉa hè nơi phố phường sầm uất; đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, đồ chơi các loại cho trẻ em được bày bán la liệt, không khí phố phường thêm nhộn nhịp, vui tươi.
Năm nay, ngày Tết Trung Thu đang cận kề nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tại nhiều địa phương trên cả nước - nơi đang thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, phố phường trở nên vắng vẻ khi toàn dân nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho mọi người.
Dù dịch bệnh khiến cho cuộc sống của mỗi người khó khăn hơn nhưng Tết Trung Thu vẫn được nhiều người quan tâm; trẻ em vẫn háo hức, mong chờ. Cùng với các hoạt động thiết thực hướng tới trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ở mỗi địa phương, tổ dân phố hay các trường học, gia đình đều có những cách tổ chức Trung Thu riêng, phù hợp với thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Lương, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 9, phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, Trung Thu hàng năm tổ sẽ kết hợp với một số tổ khác tổ chức liên hoan văn nghệ, ăn cỗ, múa lân sư tử cho các cháu và người dân thưởng thức nhưng năm nay vì dịch bệnh, chúng tôi sẽ gửi quà, bánh Trung Thu tới từng gia đình có trẻ nhỏ. Việc làm này vừa thể hiện sự quan tâm vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Chị Nguyễn Thanh Nhàn, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, Tết Trung Thu năm nào chị cũng ra các cửa hàng để lựa bánh đãi cả nhà và biếu người thân, bạn bè. Năm nay, thay vì đèo con ra các cửa hàng mua bánh và dạo phố mua đèn ông sao, đồ chơi Trung Thu… gia đình chị chọn tự mua đồ về làm bánh và đèn ông sao để các thành viên có thêm hoạt động giải trí tại nhà. Những chiếc bánh có thể chưa đủ tiêu chuẩn, những chiếc đèn tuy không lộng lẫy, rực rỡ bằng hàng bày bán sẵn nhưng nó đem lại sự gắn kết, niềm thích thú, những nụ cười rạng ngời trên gương mặt của mỗi thành viên, đặc biệt là con trẻ.
Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng không vì thế mà người lớn quên đi Tết Trung Thu đoàn viên bên gia đình, trẻ con đánh mất sự háo hức vui mừng. Dẫu mâm cỗ không được đủ đầy, trẻ con không được xem múa lân, đi rước đèn, phá cỗ cùng bạn bè... nhưng các em đã có một mùa Trung Thu đặc biệt khi được hưởng sự nồng ấm trọn vẹn trong vòng tay cha mẹ, được đảm bảo an toàn trong dịch bệnh.