Trong thời gian được điều chỉnh, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ mở cửa từ 8 giờ 30 đến 21 giờ các ngày 25, 26/11 và từ 8 giờ 30 đến 18 giờ các ngày 27, 28/11; tại Tháp nước Hàng Đậu giữ nguyên lịch như trước. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục vận hành, bố trí lực lượng đón khách tham quan theo thời gian điều chỉnh đảm bảo an toàn.
Tính đến thời điểm này, sau 9 ngày tổ chức, Lễ hội thu hút khoảng 160 nghìn lượt khách và dự kiến khi kết thúc Lễ hội sẽ tăng lên khoảng 200 nghìn lượt khách. Trong đó, địa điểm chính tổ chức Lễ hội là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm vào các ngày cuối tuần, lượng khách tăng mạnh, đạt tới 3 vạn lượt khách mỗi ngày, còn các ngày trong tuần đạt từ 5 - 7 nghìn lượt khách. Tháp nước Hàng Đậu cũng thu hút 3 nghìn lượt khách mỗi ngày, tăng gấp 3 lần so với kế hoạch đón tiếp ban đầu.
Đây là con số ấn tượng đối với một Lễ hội được tổ chức tại Hà Nội, dù địa điểm tổ chức không nằm ở trung tâm thành phố. Bên cạnh quy mô lớn, thời gian kéo dài, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 còn tạo dấu ấn tốt khi tổ chức tại một di sản công nghiệp, nhiều hoạt động sáng tạo độc đáo, phù hợp với xu thế hiện nay, đặc biệt đối với giới trẻ.
Lễ hội không chỉ diễn ra với hơn 60 hoạt động, sự kiện liên quan đến nghệ thuật, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, cộng đồng mà hiệu ứng, sức lan toả của Lễ hội còn thể hiện ở chỗ nhiều đơn vị, tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh, thành khác đề xuất được tổ chức thêm sự kiện. Điển hình như, doanh nghiệp xã hội Tòhe tổ chức khóa nghệ thuật cho trẻ em đặc biệt “Khám phá dòng chảy”.
Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào tối 28/11 với nhiều hoạt động đặc sắc, sáng tạo mang đậm dấu ấn văn hóa Hà Nội.