Lễ hội Cầu ngư, ra quân đánh bắt hải sản đầu năm được tổ chức tại Cảnh Dương với mong muốn trong mùa biển mới ngư dân vươn khơi được thuận buồm xuôi gió, tàu về tôm, cá đầy khoang. Đây cũng là dịp đẩy mạnh tuyên truyền, động viên ngư dân tích cực sản xuất, khai thác hải sản, phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau cứu hộ, cứu nạn trên biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngay từ sáng sớm 19/2, đông đảo ngư dân, chủ tàu thuyền, các thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã đã tập trung về Đền thờ Ngư Linh Miếu và An Cầu Ngư để dâng hương, dâng lễ vật cúng tế Thần Ngư. Tại đây thờ hai bộ xương cá voi khổng lồ mà người dân thường gọi là cá Ông và cá Bà.
Theo các ngư dân, cá voi là loài cá đã nhiều lần trợ giúp để tàu thuyền của ngư dân không bị chìm trong gió bão. Phần nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ hội Cầu ngư là nghi lễ đọc văn tế Thần Ngư. Một vị cao niên có uy tín nhất được làng được lên dâng hương và đọc văn tế. Bài văn tế thể hiện sự biết ơn đối với việc che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà đối với ngư dân trong những chuyến đi biển, cũng như lời nguyện cầu mong muốn của ngư dân về một mùa biển yên bình, bội thu.
Lễ hội Cầu ngư ở Cảnh Dương là một lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng biển, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng.
Người dân xã Cảnh Dương chủ yếu mưu sinh bằng các hoạt động phát triển kinh tế biển. Xã có làng nghề truyền thống khai thác hải sản lâu đời; có đội tàu cá với trên 700 chiếc, trong đó, có trên 360 tàu cá tham gia đánh bắt ở vùng xa bờ, nhiều tàu được cấp phép hoạt động trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ. Cảnh Dương có trên 30 tổ đoàn kết, 10 tổ hợp tác, giúp các ngư dân phát huy tinh thần đoàn kết hỗ trợ nhau khi gặp sự cố và hợp tác trong quá trình khai thác hải sản.