“Lễ hội Cầu ngư” là nét đẹp văn hóa truyền thống của các làng chài ven biển tỉnh Phú Yên và một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh tín ngưỡng. Lễ hội Cầu ngư gắn liền với tín ngưỡng thờ Cá Ông đã có từ xa xưa. Theo truyền thống của ngư dân Phú Yên, lễ hội cầu ngư diễn ra thường một hoặc hai năm một lần, vào các tháng 1, 2, 3, 4, 7, 8 (âm lịch). Quy mô tổ chức lễ hội tùy thuộc vào khả năng đóng góp của ngư dân từng nơi.
Ngư dân thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) tổ chức lễ hội cầu ngư năm 2015. Ảnh: baophuyen.com.vn |
“Lễ hội Cầu ngư” ở Phú Yên thường được tổ chức trong thời gian ít nhất là hai ngày. Ngày thứ nhất, ngư dân đưa kiệu ra sông hoặc cửa biển, đọc văn tế, hát chèo bả trạo để rước Ông và các vị thủy thần về đình lăng an vị. Ngày thứ hai, ngư dân làm lễ cúng yết, mổ heo và làm các món cúng lễ.
Sau nghi thức cầu cúng là phần hội. Đây là những sinh hoạt văn hóa cộng đồng như trò diễn dân gian, hát tuồng thứ lễ… Theo các ngư dân, tính chất hội trong “Lễ hội Cầu ngư” có thể được xem như những yếu tố làm cân bằng nhiều nỗi lo âu, khắc khoải trong cuộc sống đời thường; thôi thúc hào hứng vui tươi và lôi kéo khách hành hương gần xa.
Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Lễ hội Cầu ngư”, tỉnh Phú Yên, đã làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của ngư dân. Lễ hội mang đậm giá trị nhân văn và thể hiện thế ứng xử của ngư dân trước biển cả và thiên nhiên. Thông qua lễ hội, các phong tục tốt đẹp, các loại hình nghệ thuật truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian ở các làng biển được bảo tồn và phát huy.
Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ với chiều dài bờ biển gần 190 km. Tỉnh có 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển gồm: Thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và Đông Hòa. Ngư dân Phú Yên được biết đến với nghề câu cá ngừ đại dương.