Năm nay, dù thời tiết không thuận lợi, trời mưa và se lạnh nhưng lễ cầu ngư trong khuôn khổ lễ hội Đền Cờn vẫn thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương và du khách. Lễ cầu ngư là một nét đẹp văn hóa của người dân ven biển thị xã Hoàng Mai được duy trì từ bao đời nay vào dịp đầu năm với ý nghĩa cầu mong một năm đi biển đánh bắt cá mưa thuận gió hòa, đắc lợi ngư trường, tôm cá đầy khoang, ngư dân an lành mạnh khỏe.
Lễ cầu ngư, đua thuyền tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN. |
Với ý nghĩa linh thiêng đó, lễ cầu ngư đã diễn ra trang nghiêm theo những nghi lễ truyền thống. Ngay từ sáng sớm ngày 11/3, đông đảo người dân đã tập trung tại Đền Cờn chính để làm lễ. Sau khi dâng hương tại đền Cờn chính, đoàn bắt đầu diễu hành ra bãi biển giáp ranh giữa phường Quỳnh Liên và Quỳnh Phương của thị xã Hoàng Mai. Dẫn đầu đoàn diễu hành là đội cầm cờ, biển hiệu, chiêng, trống đi tiếp theo là kiệu Thánh, trên kiệu có hương án và hoa thơm.
10 thanh niên trai tráng, ăn mặc chỉnh tề có nhiệm vụ khiêng kiệu đi phía trước kiệu là 3 người đeo mặt nạ nhảy múa tạo không khí tươi vui đi sau kiệu là đội khiêng voi, đội khiêng ngựa và đội nữ quan... Sau cùng là 4 tốp thanh niên trai tráng, mỗi tốp từ 8-10 người mặc trang phục xanh, đỏ, vàng cùng khiêng 4 kiệu đầu rồng.
Tại lễ cầu ngư, tiếng chiêng, tiếng trống xen lẫn tiếng reo hò của những tốp thanh niên khiêng kiệu chạy ra phía biển và tung kiệu lên cao theo từng đợt. Khi đoàn diễu hành về phía bãi biển sát Đền Cờn ngoài, đội tế lễ sẽ tiến hành các nghi lễ cầu ngư, mong cho mưa thuận gió hòa, ngư trường đắc lợi, an toàn, may mắn.... Sau khi nghi lễ kết thúc, các thanh niên trai tráng trong làng sẽ tiến hành cướp lộc tại lễ cầu ngư với mong muốn sẽ phát lộc, phát tài trong năm mới.
Lễ cầu ngư, đua thuyền tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN. |
Cùng với lễ diễu hành trên cạn, ngay từ sáng sớm, 8 tàu thuyền được các ngư dân trang hoàng lộng lẫy bắt đầu xuất bến thứ tự theo đội hình dưới sự điều hành của Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá tàu xuất bến trước cách tàu sau 50m, bắt đầu đi từ Đền Cờn chính đi qua lạch Cờn và đỗ theo đội hình tại vùng biển Đền Cờn ngoài. Khi nghi lễ cầu ngư trên bờ kết thúc, các đoàn tàu lại nhổ neo chạy theo đội hình về đậu tại Đền Cờn chính.
Ông Nguyễn Xuân Lương- người dân phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai cho biết: Năm nay ông đã trên 60 tuổi, ông không nhớ lễ cầu ngư có từ bao giờ, chỉ nhớ ngay từ khi còn nhỏ ông đã được cha mình dẫn đi xem lễ cầu ngư được tổ chức hàng năm trong xã. Gia đình ông Lương có truyền thống đi biển nên lễ cầu ngư là một nghi lễ rất quan trọng.
Bà Vũ Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Đền Cờn cho biết: Đền Cờn vừa đẹp lại vừa linh thiêng nên hàng năm, nhất là vào mùa xuân, có hàng vạn lượt du khách hành hương về đền. Đến đây, du khách không chỉ dâng hương, tham quan mà còn được khám phá những nét văn hóa mang đậm truyền thống của người dân ven biển Hoàng Mai trong đó đặc sắc nhất là lễ cầu ngư, hội đua thuyền...
Hiện nay, thị xã Hoàng Mai có gần 1.000 tàu thuyền đánh cá với trên 7.000 ngư dân tham gia đánh bắt thủy sản trên biển và hàng nghìn người chuyên thu mua, chế biến hải sản. Vì vậy lễ cầu ngư được xem là một trong những nghi lễ đặc biệt quan trọng đối với ngư dân thị xã Hoàng Mai. Cùng với lễ cầu ngư, trong những năm tới thị xã Hoàng Mai nỗ lực khôi phục một số lễ hội đã bị mai một và tiếp tục tuyên truyền để người dân giữ gìn, phát huy các nét đẹp văn hóa của cha ông để lại, đồng thời quảng bá về tiềm năng du lịch của thị xã Hoàng Mai đến du khách thập phương.
Đền Cờn ở là ngôi đền có kiến trúc cổ kính, với nhiều truyền thuyết, sự tích, gắn với lịch sử của đất nước. Đền tọa lạc hướng mặt về dòng sông Mai Giang, núi Voi, núi Xước, sau lưng là biển xanh, cát trắng... Đền được xây dựng từ thế kỷ XIII dưới thời nhà Trần và phát triển quy mô lớn ở thời Lê, sau đó được trùng tu nhiều lần dưới triều Nguyễn. Đây là ngôi đền thờ tứ vị Thánh nương linh hiền đã có công phù trợ nhà vua đánh thắng giặc ngoại bang. Quanh năm, nhất là vào mùa xuân, du khách thập phương đến vãn cảnh, thắp hương tại Đền Cờn rất đông.
Tá Chuyên (TTXVN)