Mang nghệ thuật Khmer đến với cộng đồng
Diễn viên Thạch Sết, quê ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), tham gia Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh từ khi 21 tuổi. Những ngày đầu công tác tại Đoàn, tuy điểu kiện vật chất còn nhiều hạn chế nhưng chứng kiến sự say mê, tâm huyết của các anh chị văn nghệ sỹ đi trước; những buổi tập luyện đến tối muộn, những chuyến lưu diễn ở vùng sâu, vùng xa các tỉnh đong đầy tình cảm yêu thương, ái mộ của khán, thính giả dành cho nghệ thuật sân khấu Dù Kê, những buổi chia tay đầy bịn rịn khi Đoàn kết thúc chuyến lưu diễn… đã làm anh rất vui, tự hào với nghiệp diễn mình đã chọn. Đến nay, anh đã gắn bó với Đoàn 20 năm.
Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh) tiền thân là Đoàn văn công Khmer, được thành lập năm 1963 tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cùng với việc tập trung xây dựng các tiết mục, chương trình nghệ thuật với nội dung đoàn kết và nổi dậy chống Mỹ - Ngụy, Đoàn hành quân tiến sâu vào các ấp chiến lược để biểu diễn phục vụ đồng bào bị địch kìm kẹp và phát loa tuyên truyền hướng về đồn bốt của địch kêu gọi binh lính sáng suốt quay về với chính nghĩa. Giai đoạn này, một số cán bộ của Đoàn đã hy sinh.
Sau giải phóng, cùng với việc phục vụ nghệ thuật Khmer trong nước, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh còn được Đảng, Nhà nước cử sang phục vụ nhân dân Campuchia, phục vụ đồng bào, chiến sỹ ở các tỉnh biên giới, góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi tách tỉnh năm 1992 đến nay, Đoàn liên tục xây dựng các kịch mục mang giá trị nghệ thuật cao đáp ứng thị hiếu của nhân dân, phục vụ các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế. Năm 2000, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Đơn vị "Anh Hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.
Đoàn hiện có khoảng 40 biên chế, với nhiều thế hệ diễn viên; hằng năm, biểu diễn gần 100 suất trong và ngoài nước, trong đó, khoảng 30 suất phục vụ nhiệm vụ chính trị. Cùng với những chuyến lưu diễn ở nước ngoài, Đoàn còn đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, trong các chùa Khmer… để phục vụ đồng bào các dân tộc.
Là một thanh niên trẻ giữ mạch nguồn và tích cực lan tỏa tình yêu văn hóa nghệ thuật Khmer đến giới trẻ, anh Thạch Hoài Thanh, sinh năm 1995, đang giảng dạy bộ môn biểu diễn nhạc cụ Khmer tại Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (thuộc Trường Đại học Trà Vinh). Sinh ra và lớn lên ở xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, từ nhỏ, cậu bé Thạch Hoài Thanh thường theo cha mẹ đến chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn để sinh hoạt tín ngưỡng. Khi nhà chùa được Tỉnh ủy Vĩnh Long tặng dàn nhạc ngũ âm, cậu thiếu niên Thạch Hoài Thanh được các chú bác tận tình hướng dẫn và phát hiện ra năng khiếu. Từ chập chững đến thành thạo, rồi say mê lúc nào không hay. Với mong muốn gắn bó lâu dài với những nhạc cụ này nên sau khi tốt nghiệp Đại học Trà Vinh, Thạch Hoài Thanh xin ở lại trường công tác để có cơ hội học tiếp. Đến nay, anh đã trải qua 3 năm dìu dắt các bạn sinh viên trẻ sử dụng nhạc cụ dân tộc Khmer tại Trường.
Hiện nay, Trường Đại học Trà Vinh là đơn vị duy nhất toàn quốc đào tạo chính quy các chuyên ngành về ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ từ bậc Cao đẳng, Đại học và sau Đại học.
Giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Khmer
Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh có hơn 300.000 người Khmer, chiếm gần 32% dân số. Những năm qua, cùng với việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Trà Vinh luôn chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer địa phương được nâng cao đáng kể. Tại Trà Vinh, các cấp ủy, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện để đồng bào và sư sãi Khmer giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể.
Đến nay, tỉnh đã thành lập được 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Sa Dăm, 35 đội múa Chằn - Khỉ, 40 đội bóng chuyền dân tộc, 8 đội ghe Ngo. Đặc biệt, Trà Vinh có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là lễ hội và nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer, gồm: Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà, Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, Nghệ thuật Rô-Băm.
Toàn tỉnh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer; trong đó, nhiều chùa được công nhận là Di sản văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh, nhiều chùa có công với cách mạng trong thời kỳ chống giặc ngoài xâm. Từ nhiều nguồn kinh phí, các ngôi chùa có niên đại lâu năm đều được tỉnh giữ gìn, tôn tạo thường xuyên.
Đồng bào Khmer hầu hết theo đạo Phật nên mọi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa đều diễn ra trong chùa. Hiện nay, hầu hết các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đều được trang bị phương tiện âm thanh, nhạc cụ để hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đây cũng chính là nơi gieo mầm tình yêu văn hóa, nghệ thuật Khmer cho thế hệ trẻ.
Cùng với việc duy trì các phong tục, tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống, Tết cổ truyền, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer, địa phương còn chú trọng bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer Nam Bộ; trong đó, việc dạy và học chữ Khmer được duy trì thường xuyên tại các cơ sở giáo dục và các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Hiện, toàn tỉnh có 134/143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức dạy chữ Khmer dịp hè với trên 20.000 học sinh. Năm học 2023 - 2024, Trà Vinh có 125 trường học từ cấp Tiểu học đến Trung học Phổ thông dạy tiếng Khmer cho gần 36.000 học sinh.
Ngoài ra, Báo Trà Vinh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cũng phát hành, phát sóng bằng 2 thứ tiếng Kinh, Khmer để tạo điều kiện cho đồng bào Khmer nắm bắt thông tin kịp thời.
Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ đã góp phần tô thắm cho “vườn hoa văn hóa” đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhờ vậy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh được củng cố, niềm tin của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng dân tộc Khmer được duy trì ổn định.