Khác biệt với các loại nỏ trên toàn thế giới
Dựa trên những bằng chứng khảo cổ học, sử liệu và các nghiên cứu khoa học vũ khí hiện đại, Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu và chuyên gia vũ khí, kỹ sư Vũ Đình Thanh, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự của Cộng hòa Sec, cùng cho rằng: Nỏ thần có thật, một lần bắn giết vạn quân mà nhờ đó tổ tiên chúng ta đại thắng 50 vạn quân Tần. Theo tư liệu khảo cổ lăng mộ Triệu Đà thì lại không có nỏ thần, sử sách không hề mô tả về việc Triệu Đà sử dụng nỏ thần trong suốt gần 100 năm tồn tại. Điều đó chứng minh Triệu Đà không có nỏ thần, Triệu Đà chưa từng chiếm Văn Lang - Âu Lạc.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (bên trái) và kỹ sư Vũ Đình Thanh nghiên cứu tư liệu lịch sử. Ảnh: NVCC
Trong khi đó, các nhà khảo cổ Việt Nam tìm được hàng vạn mũi tên đồng Cổ Loa, toàn bộ xưởng sản xuất vũ khi gần 1.000 m tại thành nội Cổ Loa với các khuôn đúc mũi tên đồng còn nguyên vẹn càng củng cố quan điểm Triệu Đà chưa bao giờ chiếm Âu Lạc.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh đã trực tiếp tham gia vào việc nghiên cứu chế tạo các vũ khí mới cho một số tập đoàn vũ khí nhà nước tại châu Âu. Anh là người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết phục dựng Nỏ thần Cổ Loa, chia sẻ: “Nỏ thần càng xa càng mạnh, cung nỏ khác càng xa càng yếu, nỏ thần bắn được giặc từ khoảng cách xa trong khi giặc không làm gì được ta”.
Clip các chuyên gia lý giải về nỏ thần Cổ Loa:
Nỏ thần càng xa càng mạnh, mạnh nhất ở cuối tầm tên trong khi nỏ nhà Tần càng xa càng yếu, yếu nhất, không có lực ở cuối tầm tên.
Tìm hiểu về điều này, kỹ sư Vũ Đình Thanh, người phục dựng "nỏ thần" bắn các mũi tên đồng Cổ Loa chia sẻ rằng, cha ông có cách bắn cung nỏ riêng biệt, khác biệt hẳn với cả thế giới: Đó là không bắn thẳng vào mục tiêu mà bắn lên cao rồi lợi dụng sức hút của trái đất để các mũi tên đồng rơi nhanh dần đều. Cấu tạo khí động học đặc biệt khiến các mũi tên đồng xoay quanh trục, tăng độ xuyên phá lên nhiều lần. Nếu đặt ở độ cao lớn thì vận tốc của mũi tên đồng Cổ Loa khi đâm vào giặc nhiều khi lớn hơn nhiều lần vận tốc khi tên bay khỏi nỏ và lên tới cả 200 m/s, có khả năng xuyên giáp cả chục tên giặc.
Phân tích hình ảnh nỏ thần được khắc hoạ trên trống đồng cổ. Ảnh: NVCC
Ông Vũ Đình Thanh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền năm 2022 cho sáng chế "Nỏ bắn nhiều tên, lực nỏ tác dụng vào ống tên, trong ống có nhiều mũi tên nhỏ". Đây là xác nhận mang tính khoa học công nghệ về nguyên lý hoạt động của nỏ thần có khả năng bắn nhiều mũi tên.
Cần tiếp cận lịch sử dựa trên chứng cứ
Các nhà khảo cổ học đã tìm được các mũi tên đồng Cổ Loa đó và hiện đang được trưng bày ở bảo tàng lịch sử. Mũi tên phải làm từ vật liệu đồng hay sắt như đinh sắt trong pháo rải đinh, bom đinh thả từ máy bay bà già, flechette (dạng phi tiêu) sắt thả từ máy bay trong thế chiến 1, các vật liệu khác như tre, gỗ sẽ không có hiệu ứng rơi nhanh dần đều vì bị không khí cản lại và sẽ không gây nguy hiểm gì. Từ đó có thể tìm hiểu uy lực của nỏ thần qua kết quả sát thương kinh khủng trong thực tế của các loại vũ khí cùng sử dụng lực hút trái đất nêu trên.
Nỏ thần cùng lúc bắn được cả vạn mũi tên vì cách đặt tên đồng trong ống y hệt như đinh trong đạn của pháo rải đinh. Ảnh: NVCC
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và kỹ sư Vũ Đình Thanh rà soát kỹ lưỡng hai cuốn sử uy tín Trung Hoa là Sử ký Tư Mã Thiên và Hoài Nam Tử thấy rằng, không hề có ghi chép về việc Triệu Đà đánh Âu Lạc, chỉ có viết về việc Triệu Đà “đem đồ đạc, của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc”.
Trong cuốn sử Việt Nam Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết theo truyền thuyết kể việc Triệu Đà đánh Âu Lạc, nhưng trong cuốn sử này của Việt Nam không hề có ghi chép việc Triệu Đà chiếm thành Cổ Loa, chiếm Âu Lạc như một sự kiện lịch sử.
Giới nghiên cứu nhận định nếu Triệu Đà thực sự chiếm được Âu Lạc, như một số truyền thuyết kể lại, thì việc sở hữu và sử dụng nỏ thần là điều chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, bằng chứng khảo cổ hiện nay không chứng minh điều đó. Ngược lại, hệ thống vũ khí ở Cổ Loa vẫn được bảo toàn nguyên vẹn, củng cố thêm giả thiết rằng Triệu Đà chưa từng chiếm được thành này.