Các nghệ nhân Then tỉnh Lạng Sơn đang chuẩn bị các tiết mục tham gia Liên hoan.
|
Nhằm góp phần bảo tồn và tạo sức lan tỏa loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng, những năm qua tỉnh Lạng Sơn khuyến khích thành lập và phát triển các Câu lạc bộ Hát then trên địa bàn tỉnh.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn và hát dân ca tỉnh Lạng Sơn, Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên cho rằng việc thành lập các Câu lạc bộ Hát then – Đàn tính là hoạt động thiết thực nhằm tạo điều kiện phát triển kỹ năng và nâng cao trình độ môn nghệ thuật này trong mọi tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần bảo tồn, khai thác, sưu tầm và phát huy những làn điệu then truyền thống của xứ Lạng.
Từ khi được thành lập năm 2009 đến nay, Câu lạc bộ đàn và hát dân ca tỉnh Lạng Sơn đã thu hút được hơn 300 hội viên tham gia. Sự ra đời của câu lạc bộ này đã tạo đà cho việc thành lập liên tiếp các câu lạc bộ hát then, đàn tính tại các huyện trong tỉnh.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 65 câu lạc bộ (hoặc nhóm người) được thành lập với mục đích sinh hoạt, giao lưu, trao truyền nghệ thuật Hát then – Đàn tính; số lượng người tham gia các câu lạc bộ vào khoảng 1.400 người. Những tiết mục biểu diễn Hát then – Đàn tính đã và đang trở thành những tiết mục tiêu biểu và ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng của tỉnh.
Chị Hoàng Thị Thúy, hội viên Câu lạc bộ Nộc Khảm Khắc tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, cho biết: Sau gần 5 năm thành lập, Câu lạc bộ đã thu hút được sự tham gia của 26 người yêu thích hát then, đàn tính ở mọi lứa tuổi, người cao tuổi nhất là 78, nhỏ tuổi nhất là 10. Hàng tuần, các hội viên tập trung lại để luyện tập và truyền dạy cho nhau các câu hát then và giai điệu đàn tính. Nhờ các nguồn xã hội hóa, hiện nay các dụng cụ và trang phục phục vụ cho việc luyện đàn, luyện hát đã đầy đủ. Chị Thúy mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục tạo điều kiện tổ chức nhiều hơn nữa các buổi giao lưu văn nghệ giữa các câu lạc bộ, để các nghệ sĩ không chuyên ở nhiều vùng quê cùng đem cây đàn tính, lời then tới giao lưu, học hỏi.
Nghệ sĩ ưu tú Thủy Tiên đánh giá, câu lạc bộ của các địa phương ra đời đã và đang đáp ứng được phần đáng kể nhu cầu thưởng thức của công chúng yêu thích những làn điệu dân ca then. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị của loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc này, việc gìn giữ ngôn ngữ gốc Tày, Nùng trong các câu hát then cũng vô cùng quan trọng. Với nhiều năm kinh nghiệm truyền dạy kỹ năng hát then, đàn tính ở các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh, nghệ sĩ Thủy Tiên cho rằng, hiểu rõ ca từ trong từng câu hát then mới “thấm” được nét hay, nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của đồng bào Tày, Nùng.