Mọi người trầm trồ, đi từ ngạc nhiên đến thích thú, cùng nhau nhìn ngắm, ríu rít cười nói, kể về những kỷ niệm từng gắn bó với con giống bột một thời, như những mảnh ghép thời gian đang hiện về. Những bậc cao niên càng ngạc nhiên hơn khi biết được người đưa thứ đồ chơi cổ của Hà Nội trở lại cuộc sống ngày nay chính là nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách và nghệ nhân trẻ tuổi Đặng Văn Hậu.
Hay tại chợ Trung thu truyền thống Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm năm nay, cũng xuất hiện một vài sạp hàng bày bán con giống bột Đồng Xuân, Phố Khách thu hút sự tò mò của không ít em nhỏ cũng như các bậc phụ huynh. Trẻ em xúm xít quanh sạp hàng ngó nghiêng, cầm nắm những con giống bột nhỏ xinh, nhiều sắc màu, thậm chí thi nhau thổi tò te nghe rất vui tai. Thấy các em hào hứng với món đồ chơi dân gian mộc mạc, cả người bán lẫn các bố mẹ đều vui vẻ, phấn khởi.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu kể, con giống bột Đồng Xuân và Phố Khách sinh ra ở 36 phố phường xưa nên khi phục hồi lại, anh đã đưa trở lại nơi này, đúng nơi nó sinh ra. Nhớ lần đầu đưa nó trở lại phố Hàng Mã, người dân phố cổ Hà Nội ngỡ ngàng và thích thú bởi mấy mươi năm vắng bóng những con giống bột truyền thống, nay lại thấy xuất hiện.
Nhiều người mách nhau mua và hiệu ứng được lan truyền trên mạng xã hội, ngày càng nhiều người tìm tới nghệ nhân Đặng Văn Hậu. Nhưng có lẽ ngạc nhiên hơn cả là lần đầu tiên anh đưa những con giống bột cổ của Hà Nội ra trưng bày năm 2017 ở triển lãm tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học và di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, toàn bộ con giống bột được hệ thống Quán ăn Ngon mua hết. Từ đó, Đặng Văn Hậu càng tự tin với việc khôi phục món đồ chơi dân gian đặc sắc của Hà Nội.
Với chất giọng lạc quan, vui vẻ, Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho hay, cái duyên đến với những con giống bột cổ của Hà Nội cũng thật tình cờ. Đó là khi còn nhỏ tuổi, Hậu hay theo ông ngoại từ làng nghề tò he Xuân La, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) vào trung tâm thành phố nặn tò he thì gặp nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách. Ông đặc biệt chú ý đến tài nặn tò he của Đặng Văn Hậu và sau nhiều lần gặp gỡ, đến năm 2012, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã đặt anh làm mấy con rồng thời nhà Nguyễn, dáng rất khó làm.
Với sự đam mê của người làm nghề, cộng với kỹ năng khéo léo, những con giống bột của Đặng Văn Hậu đã khiến nhà nghiên cứu Trịnh Bách hài lòng. Từ đó trở đi, năm nào ông Trịnh Bách cũng tìm đến Hậu để đặt làm con giống, mãi rồi cũng thành thân. Một ngày, ông chia sẻ với Hậu: “Chú thấy con giống bột của Hà Nôi xưa rất đẹp, tuổi của chú thủa đó ai cũng thích, nhưng giờ đây không còn, trẻ con không được chơi nữa, nên chú rất tiếc. Hậu có thể giúp chú khôi phục được không?”. Nỗi lòng của ông đã lay động Đặng Văn Hậu và anh đồng ý.
Nhưng khôi phục thế nào là cả một hành trình gian nan bởi con giống bột Đồng Xuân và Phố Hách đã mai một, việc tìm lại người làm con giống xưa rất khó khăn. May sao, hai chú cháu gặp bà Nguyệt Ánh, là người cuối cùng làm con giống bột Đồng Xuân. Nhìn những con giống bà làm, Đặng Văn Hậu bị mê hoặc luôn. Cảm kích tấm lòng của nhà nghiên cứu Trịnh Bách và của người trẻ tuổi, bà Nguyệt Ánh đã truyền dạy tất cả những kỹ năng nặn con giống bột Đồng Xuân cho Hậu, với mong muốn có người gìn giữ nét đẹp đặc trưng này.
Tuy vậy, các mẫu con giống bột Đồng Xuân mà bà Nguyệt Ánh có được chưa nhiều và để phong phú hơn, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã sưu tầm thêm các hình ảnh, hiện vật ở Viện Viễn Đông Bác Cổ. May mắn, tại đây còn giữ lại rất nhiều hình ảnh và hiện vật con giống Đồng Xuân từ năm 1920 đến giờ. Với những con giống Phố Khách do không còn mẫu, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã vẽ lại cho Hậu thực hiện, bởi thủa nhỏ, ông đã từng mày mò tự phác họa những mẫu con giống bột thành bộ sưu tập cho mình.
Bên cạnh việc khôi phục con giống bột Hà thành xưa, Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng khôi phục con giống bột cổ của làng nghề Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên - quê anh. Dù những con giống này không còn xuất hiện ở thời điểm đó nhưng không quá khó để khôi phục lại. Nhiều người cao tuổi ở làng Xuân La vẫn còn biết nghề, chỉ có điều, do thời gian dài khó tiêu thụ nên họ bỏ không làm. Anh chỉ tìm hiểu qua những người lớn tuổi trong làng là có thể làm được.
Chỉ cho khách xem các dòng con giống bột cổ Hà thành, Đặng Văn Hậu cho hay, mỗi dòng con giống bột có đặc trưng và chủ đề thể hiện khác nhau. Con giống Phố Khách hướng nhiều về chủ đề thần thoại như: Bộ Tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng), bộ Tam sư…; còn con giống bột Đồng Xuân là con giống trơn, chủ đề khá đa dạng, gắn liền với vật nuôi trong gia đình hay nhân vật trong bộ truyện Lục súc tranh công, nhân vật tín ngưỡng dân gian Việt Nam trong bộ Tứ phủ, Tam sinh...
Còn con giống bột Phú Xuyên ngày xưa thường gọi là “bánh chim cò” và con tò te, nặn bằng bột tẻ, trộn màu thực vật tự nhiên, khi chơi xong có thể hấp lên ăn được. Sau này, con giống bột Phú Xuyên cải tiến nặn trên que, mang đến các lễ hội nặn trực tiếp bán cho mọi người. “Bánh chim cò” và con tò te sau này được gọi là tò he; với các chủ đề phong phú như: Con công, Võ Tòng đả hổ, Bao Công, Tây Du ký…
Việt Nam là nước duy nhất có tục chơi con giống bột dịp Tết Trung thu, đó là niềm vui của trẻ nhỏ, niềm tự hào của người lớn. Mỗi con giống bột mang một câu chuyện, một ý nghĩa khác nhau nhưng đều hướng đến tính giáo dục cho trẻ nhỏ yêu cuộc sống, trân trọng những giá trị lịch sử. Dù đồ chơi Trung thu có muôn vàn loại khác nhau nhưng hiện nhiều người có xu hướng quay lại những giá trị truyền thống. Vì thế, con giống bột cổ Hà thành có nhiều cơ hội phục hồi, phát triển. Những người như nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Đặng Văn Hậu đang kỳ vọng vào điều đó, để họ được sống với đam mê của mình, mang những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với trẻ nhỏ và người dân Hà Nội.