Khám phá lại tủ sách Nguyễn Hiến Lê - Sống sao cho đúng?

Ngày 15/8, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP Hồ Chí Minh, công ty MCBooks đã giới thiệu tới độc giả cả nước 2 trong những cuốn sách đầu tiên ghi dấu tên tuổi của học giả Nguyễn Hiến Lê với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.

Học giả quá cố Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là một tác giả, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa. Ông chuyên sáng tác, biên soạn và dịch thuật các tác phẩm văn học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế... Ông là người được giới trí thức và nhân dân lao động kính trọng vì nhân cách cao qúy, cuộc sống thanh bạch, học vấn uyên bác và hiệu quả lao động hiếm thấy.

Nhắc tới các sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ nhiều tới hai cuốn "Quẳng gánh lo đi và vui sống" và "Đắc nhân tâm" của Dale Carnegie. Hai cuốn này bắt đầu xuất bản ở Việt Nam từ năm 1951 bởi Nhà xuất bản Phạm Văn Tươi ấn hành. Đến nay, 2 cuốn này đã nhanh chóng gây chú ý và trở thành “hiện tượng” trong ngành xuất bản khi liên tục được tái bản rất nhiều lần, đạt kỉ lục trong ngành xuất bản với số lượng in lên tới 15 triệu bản.

Đây cũng là hai cuốn sách ghi dấu tên tuổi học giả Nguyễn Hiến Lê với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam và là "kim chỉ nam" trong cuộc sống cho nhiều bạn học sinh, sinh viên và trong cách thu phục lòng người của các doanh nhân, nhà tuyển dụng...

Ông Nguyễn Quyết Thắng (bìa trái), đại diện gia đình và đang là người quản lý bản quyền các đầu sách học giả Nguyễn Hiến Lê khẳng định, học giả Nguyễn Hiến Lê là một người rất tôn trọng vấn đề bản quyền.

Ông Nguyễn Quyết Thắng - người đang thay mặt gia đình quản lý bản quyền toàn bộ 120 cuốn sách của học giả quá cố Nguyễn Hiến Lê cho biết, học giả Nguyễn Hiến Lê là một người rất tôn trọng vấn đề bản quyền. Trước khi dịch bản “Đắc nhân tâm" và “Quẳng gánh lo và vui sống”, ông đều xin phép trực tiếp tác giả.

"Là người gìn giữ gia tài văn hoá của học giả quá cố, tôi vẫn luôn tâm nguyện tìm người đủ tầm và có tâm để phát triển tủ sách Nguyễn Hiến Lê đến độc giả cả nước. Ngày hôm nay, tôi công bố chính thức chọn MCBooks là đơn vị được chuyển giao bản quyền của toàn bộ 120 đầu sách của cố học giả Nguyễn Hiến Lê”, ông Thắng cho biết thêm.

Nói về những cuốn sách để đời của cố tác giả Nguyễn Hiến Lê, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, cuốn “Đắc nhân tâm” phù hợp với mọi lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên, người đi làm, nhân viên hay sếp ... Đặc biệt là các chủ doanh nghiệp đang muốn thu phục nhân tâm, thu hút và quản trị người tài. Vì đó là những bí quyết không chỉ giúp thành công mà còn là một trong những nhận thức hình thành nhân cách con người. “Đắc nhân tâm”của thời đại mới đòi hỏi sự hiện diện của cái Tâm, cái Tầm và cái Tài trong mỗi người chúng ta.

Trong khi đó, nhà thơ Lê Minh Quốc nhận định: “Khi nhìn lại sự nghiệp của học giả Nguyễn Hiến Lê, điều rất quan trọng là cụ đã chạm đến rất nhiều đề tài, về giáo dục nhân cách làm người, về nuôi dạy trẻ em, gương danh nhân, những người phụ nữ kiệt xuất trên thế giới, các bộ sách lịch sử… Tôi đã đọc sách của cụ Nguyễn Hiến Lê từ thuở bé, có những cuốn mà cho tới tận bây giờ vẫn vẹn nguyên giá trị như “Kim chỉ nam của học sinh”. Có những người viết sách nhưng không biết mình viết cho ai, còn cụ Nguyễn Hiến Lê luôn xác định rõ đối tượng đọc của mình là ai. Trong tất cả các tác phẩm của mình, cụ đều hướng con người ta sống thế nào cho đúng đắn. Bài học lớn nhất mà cụ Nguyễn Hiến Lê để lại cho cuộc đời này chính là tinh thần tự học. Hãy tự học để khám phá khả năng vô tận của chính bản thân mình".

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Để văn học trẻ đứng vững trong lòng độc giả
Để văn học trẻ đứng vững trong lòng độc giả

Mang màu sắc tươi mới và gần gũi với đời thường, những tác giả trẻ, được quen gọi thế hệ 8x, 9x và 10x (sinh vào những năm 1980, 1990, 2000) đã dần khẳng định tên tuổi của mình trong lòng độc giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN