Ngày 27/4, tỉnh Hải Dương tổ chức khai mạc chương trình du lịch làng gốm cổ Chu Đậu tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách. Đây là một trong hai hoạt động lớn của Hải Dương nhằm hưởng ứng năm Du lịch quốc gia đồng bằng Sông Hồng - Hải Phòng 2013.Không gian gốm Chu Đậu. Ảnh: Hồng Kỳ- TTXVN |
Chương trình du lịch làng gốc cổ Chu Đậu gồm 5 hoạt động chính: Trưng bày bộ sưu tập gốm cổ và gốm đương đại, dựng bản đồ gốm Việt giới thiệu vị trí nổi bật gốm Chu Đậu; vinh danh 16 thợ giỏi tay nghề cao về làm gốm; tham quan Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu (đơn vị đã góp phần đưa thương hiệu gốm Chu Đậu đến với du khách trong và ngoài nước) với các hoạt động như thắp hương cho nghệ nhân Bùi Thị Hý (người được biết đến như tổ của gốm Chu Đậu), xem bộ sưu tập gốm cổ và qui trình sản xuất, chế tạo các sản phẩm gốm hiện đại; du lịch làng gốm cổ Chu Đậu, tham quan di chỉ khảo cổ học, phong cảnh làng quê Chu Đậu, nơi lưu giữ di sản gốm Chu Đậu dưới lòng đất; thi tìm hiểu lịch sử gốm Chu Đậu.
Gốm Chu Đậu là kế thừa của gốm Vạn Yên (Hưng Đạo - Kiếp Bạc thế kỷ XIII), có mặt từ cuối thế kỷ XIV, rực rỡ nhất vào thế kỷ XV - XVI rồi lụi tàn từ đầu thế kỷ XVII. Các nghệ nhân Chu Đậu đã khai sinh một dòng gốm qúy với nước men sáng và vẻ đẹp tinh tế, không chỉ kế thừa xuất sắc gốm Lý - Trần về men ngọc và hoa văn với kiểu dáng thanh thoát, mà còn vượt trội các di tích về chất lượng gốm hoa lam .
Năm 1992, di tích khảo cổ học Chu Đậu đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia. Đây cũng là di chỉ sản xuất gốm đầu tiên ở nước ta được xếp hạng.
Mạnh Tú