Thổi hồn vào gốm Bầu Trúc Ninh Thuận

Làng gốm Bầu Trúc nằm ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây là làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, đã có từ rất lâu đời. Làng Bầu Trúc có tên gốc Chăm là Paley HamuTrok, nghĩa là “làng trũng”, nằm nhô ra ở cuối triền sông. Gốm Bầu Trúc độc đáo bởi chỉ cần nhìn qua sản phẩm, người ta hình dung ra ngay nét văn hóa đặc trưng của người Chăm vùng Ninh Thuận; thể hiện ở hình dáng sản phẩm, họa tiết, hoa văn và cả trong quá trình sáng tạo của các nghệ nhân.

 

Các nghệ nhân gốm Chăm dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

 

Sông Quao đã cho người Chăm một loại đất sét đặc biệt để làm nên các sản phẩm gốm. Theo các nghệ nhân của làng Bầu Trúc, loại đất này đặc biệt ở chỗ chỉ có thể tạo hình bằng tay, mà không thể dùng bàn xoay như các làng nghề gốm khác trong nước vẫn làm. Loại đất sét này mịn, mềm, có thể cho ra sản phẩm bóng đẹp. Đặc biệt đồ ăn, thức uống đựng trong đồ gốm làm từ đất sông Quao rất bền và nhiệt độ bên trong bình gốm thường mát hơn bên ngoài nhiều.


Một nét đặc biệt nữa của gốm Chăm là công đoạn tạo hình cho sản phẩm. Chỉ có phụ nữ được nặn đồ gốm, còn đàn ông chỉ tham gia vào những việc như đập đất, nung gốm. Theo truyền thuyết của người Chăm kể lại rằng, từ thời xa xưa, ông tổ nghề gốm Poklong Chanh dạy riêng cho phụ nữ Chăm nghề này. Bởi vậy, tuy công việc này vất vả, cực nhọc, nhưng phụ nữ Chăm vẫn là người giữ vai trò chính để giữ nghề và làm nghề.


Vẫn tuân theo phương thức truyền thống, gốm Bầu Trúc cho tới ngày nay vẫn được làm hoàn toàn bằng tay từ khâu lấy đất, nhào nặn, tạo hình cho tới nung gốm. Đất lấy ở sông được đem ngâm, sau đó nhào thật kỹ, cho tới khi đất dẻo mới nặn được. Người Chăm tạo hình sản phẩm bằng cách cho đất lên một bệ đá hình trụ mặt nhẵn, sau đó đi vòng quanh bệ đỡ để tạo hình dáng sản phẩm. Đây là điểm khác biệt trong công đoạn làm gốm Bầu Trúc, trong khi các làng nghề gốm khác dùng bàn xoay để làm tâm, rồi “vuốt” lấy, thì người Chăm dùng đôi chân của mình đi xung quanh bệ đỡ. Và cứ như thế, những bước chân nhịp nhàng, mềm mại di chuyển quanh bàn nặn chưa đầy 5 phút, chiếc lọ, chiếc chum hay bình gốm đã thành hình. Bàn tay của các nghệ nhân Chăm khéo léo tới mức chỉ với một chiếc khăn và một bát nước bên cạnh, chỉ một loáng sản phẩm đã trở nên bóng và mượt một cách bất ngờ. Sau khi lên khuôn, sản phẩm được đem ra phơi nắng cho tới khô rồi lại tiếp tục đánh bóng, sau đó mới cho vào lò nung.


Kỹ thuật nung gốm ở làng cũng hoàn toàn thủ công. Sản phẩm được nung bằng rơm và củi lộ thiên, không sử dụng lò than hay nung điện. Theo các nghệ nhân ở đây, cách nung gốm này tuy mất nhiều thời gian nhưng nó là “bản sắc” của người Chăm. Việc nung ngoài trời còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, do vậy người Chăm chọn thời điểm thời tiết nóng khô (từ tháng 11 năm nay đến tháng 8 năm sau) là lý tưởng để nung gốm. Gốm được xếp bên trên một lớp củi khô và chất rơm lên trên cùng. Khi đốt bằng rơm, gốm chín không đều tạo nên nhiều mảng màu cho sản phẩm một cách tự nhiên. Đặc biệt có một thứ màu như khói ám trên sản phẩm đã làm nên sự độc đáo cho sản phẩm. Để có được thứ màu khói ám đó, người Chăm phải lấy một loại rễ cây rừng về chất lên trên lớp rơm nung, khói tỏa ra từ loại rễ cây này sẽ làm nên những mảng màu đặc biệt trên các sản phẩm gốm. Không tô vẽ, không dùng men, gốm Chăm đẹp bởi hình dáng sản phẩm, bởi sự mộc mạc, và đặc biệt nó là nét riêng của người Chăm.


Không có khuôn mẫu khi tạo hình sản phẩm, nên các nghệ nhân thả sức sáng tạo cho ra đời những sản phẩm phong phú, thổi vào đó cái hồn và những tâm tư của phụ nữ Chăm. Những câu chuyện giản dị trong đời sống, những nét văn hóa đặc trưng của người Chăm đều được đưa vào gốm. Từ hình tượng tháp Chăm, vũ nữ Apsaga trong truyền thuyết đến những chiếc bình đội nước và nhân vật gần gũi như tượng cô gái Chăm bị bom đánh cụt mất đầu khi đang gội đầu trong một tư thế uyển chuyển và gợi cảm... là điểm đặc sắc, độc đáo mang đậm dấu ấn của người Chăm mà các làng gốm khác không có được.


Với những nét đặc trưng hiếm có, gốm Bầu Trúc cần được bảo tồn và gìn giữ để không thất truyền khi số lượng các nghệ nhân ngày càng giảm đi. Tuy nhiên, hiện nay gốm Bầu Trúc vẫn đang phát triển theo hướng tự phát mà chưa thực sự được quan tâm đúng mức để có thể vừa không làm mai một phương thức truyền thống, vừa có thể trở thành một nghề “sống” được của người Chăm.

 Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN