Bà Lina Mendoni cho biết Hy Lạp sẵn sàng chia tay một sổ bảo vật của mình đến Bảo tàng Anh miễn là những tác phẩm điêu khắc Parthenon bằng cầm thạch được trả cho Athens.
Theo tờ Guardian, Bộ trưởng Văn hoá Hy Lạp nhấn mạnh “Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Nếu các tác phẩm điêu khắc có cơ hội trở lại Athens, Hy Lạp sẵn sàng tổ chức các cuộc triển lãm luân phiên về những cổ vật quan trọng tại Anh.”
Khi được hỏi liệu London có yêu cầu các công trình cụ thể hay không, Bộ trưởng Lina khẳng định các cuộc thảo luận tiếp tục không mở rộng sang “các hiện vật cụ thể”.
Kể từ khi ý tưởng trao đổi văn hóa được đưa ra (ngay sau khi đảng Dân chủ Mới trung hữu của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis giành được quyền lực vào năm 2019), đã có nhiều đồn đoán rằng các báu vật, bao gồm Mặt nạ Agamemnon - mặt nạ tang lễ bằng vàng được một số nhà sử học mô tả với tên gọi “Mona Lisa thời tiền sử” – có thể được gửi đến Anh để đổi lấy những tác phẩm điêu khắc bằng cẩm thạch.
George Osborne, Chủ tịch Bảo tàng Anh, hưởng ứng nỗ lực của Athens nhằm giải quyết tranh chấp về các tác phẩm điêu khắc, đã tỏ ra quyết tâm giải quyết vấn đề này một cách trực tiếp hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào.
Ông Osborne là Chủ tịch đầu tiên của Bảo tàng Anh công khai thừa nhận những tranh cãi xung quanh sự hiện diện của cổ vật trong Bảo tàng Anh.
Bảo tàng đã mua những bức tượng điêu khắc bằng cẩm thạch vào năm 1816 từ Lord Elgin, cựu đại sứ của Đế chế Ottoman, người đã cưa các bức tượng ra khỏi đền Parthenon và những nơi khác trên đỉnh Acropolis của Athens.
Bộ sưu tập của Bảo tàng Anh bao gồm gần một nửa bức phù điêu Parthenon dài 160 mét mô tả cuộc rước đến ngôi đền của lễ hội Panathenaic để tôn vinh nữ thần Athena, cũng như 15 tấm điêu khắc và 17 bệ đỡ là một phần trang trí độc đáo của bảo tàng.
Khi được hỏi liệu Hy Lạp có loại trừ việc thực hiện hành động pháp lý chống lại Bảo tàng Anh vào thời điểm mà ngày càng có nhiều đồ vật gây tranh cãi đang được trả về quốc gia xuất xứ của họ hay không, Bộ trưởng Mendoni cho biết chính phủ sẽ tiếp tục “tận dụng tối đa các khả năng mà đối thoại và ngoại giao văn hóa”.