Hơn 11.000 tỷ đồng xây Bảo tàng lịch sử Quốc gia: Phải hết sức cẩn trọng

Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Từ Liêm, Hà Nội) với đề xuất tổng mức đầu tư (chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày) là 11.277 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, mà Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn, đặt dấu hỏi về tính cấp thiết của dự án này, nhất là trong giai đoạn khó khăn về kinh tế như hiện nay. Và để tương xứng với quy mô hoành tráng được Nhà nước đầu tư như vậy, thì hoạt động của phần "ruột” của bảo tàng sẽ phải như thế nào?


 

Phối cảnh Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc BTLSQG Việt Nam, Trưởng ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, Đề án xây dựng BTLSQG đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2006. Năm 2007, BTLSQG đã có những chuẩn bị để đề án được khởi động. Theo đề án, sau khi xây dựng xong, BTLSQG sẽ là nơi trưng bày hiện vật tổng quan nhất, toàn diện nhất về đất nước và con người Việt Nam, xuyên suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.


Cũng theo ông Nguyễn Văn Cường, trải qua một thời gian dài khẩn trương và cẩn trọng, trong quá trình triển khai, Ban Dự án đã cùng các bộ, ngành, các nhà quản lý thống nhất quy mô, tổ chức thực hiện và luôn có sự kết hợp với các nhà quản lý về kiến trúc, xây dựng, văn hóa bảo tàng, cùng sự tham gia tư vấn của các nhà khoa học... Theo đó, Bộ Xây dựng triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng kiến trúc, phương án thiết kế, và hoàn thiện quy trình thủ tục để trình Thủ tướng phê duyệt tổng mức đầu tư cho phần xây lắp.

 

Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VH,TT&DL triển khai nội dung, chọn nhà thầu tư vấn trưng bày bao gồm mỹ thuật, thiết bị, vật tư, tư vấn các công năng hoạt động trong và ngoài bảo tàng một cách hiệu quả, sống động; cho phép xây dựng đề án huy động nguồn nhân lực, đào tạo bổ sung nâng cao nguồn nhân lực để đủ sức quản lý và vận hành BTLSQG trong tương lai, sát nhập BTLSQG và Bảo tàng Cách mạng để tập hợp nguồn lực và tài liệu, hiện vật của 2 bảo tàng này, tiến hành tổng thống kê, lựa chọn bám theo đề cương tổng quát để phục vụ công tác trưng bày triển lãm tại BTLSQG và các cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Xem xét đề xuất bổ sung tài liệu, hiện vật cho các chủ đề tiến trình lịch sử để bổ sung số lượng và chất lượng, đảm bảo bảo tàng hoàn thiện về nội dung lịch sử... làm sao để khi trưng bày, bảo tàng sẽ đầy đủ các hiện vật cần thiết, tránh bị rỗng, thiếu, chưa đầy đủ và chưa sâu sắc trong trưng bày.


Trước băn khoăn về việc xây dựng một bảo tàng lớn như vậy thì lấy đâu ra hiện vật để trưng bày, ông Nguyễn Văn Cường cho biết, BTLSQG hiện có hơn 200.000 tài liệu hiện vật, nhưng do diện tích và đầu tư cho các tổ hợp trưng bày của BTLSQG hiện nay chưa đáp ứng được, nên số hiện vật trưng bày hiện nay chiếm tỷ lệ rất nhỏ, phần lớn hiện vật giá trị vẫn đang cất trong kho, chưa được giới thiệu với công chúng.

 

Tuy nhiên, so với các chủ đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như với công năng của BTLSQG sắp tới, thì vẫn cần bổ sung một số chủ đề, giai đoạn, hiện vật và các giải pháp trưng bày công nghệ mới, tiên tiến và hiệu quả với người xem. Vấn đề cần giải quyết song song hiện nay là tìm ra các giải pháp trưng bày hiệu quả và tiếp tục bổ sung các tài liệu hiện vật, cho các chủ đề giai đoạn mà chúng ta chưa đáp ứng được, cố gắng để trưng bày đầy đủ các diện tích, chủ đề mà dự án phê duyệt. Việc trưng bày cũng phải thay đổi theo phương thức mới, để các hiện vật trở thành thực thể sống đối với người xem, tạo sự kết nối giữa bảo tàng với người xem qua các không gian lịch sử, để người xem bước vào không gian bảo tàng, tham gia các hoạt động như được sống trong không gian văn hóa của các giai đoạn lịch sử đất nước một cách hiệu quả nhất, chứ không chỉ là những thực thể nằm trong tủ kính, không chỉ là những bức ảnh đơn giản trên tường...


Ông Nguyễn Văn Cường cho rằng, đất nước còn nghèo, cần ưu tiên cho những công trình phát triển kinh tế xã hội khác như giao thông, trường học, y tế, thủy lợi..., nhưng không vì thế mà chúng ta được phép quên đi hoặc xem nhẹ văn hóa, vì đó là nền tảng, là động lực cho sự phát triển xã hội. Việc đầu tư cho một công trình văn hóa sẽ đem lại nhiều ý nghĩa to lớn, nhất là trong việc xây dựng nhân cách, phẩm chất và lòng tự hào và sự hiểu biết của mỗi người Việt Nam về nguồn gốc lịch sử đất nước mình. Đồng thời, để khẳng định về truyền thống lịch sử anh hùng, nghìn năm văn hiến của Việt Nam với bạn bè quốc tế, để họ tin tưởng đoàn kết, hợp tác với Việt Nam là bước đi đúng đắn... đó là những điều mà trong những lúc lo “cơm áo gạo tiền” cũng không được quên.


PGS-TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa , Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học cho Ban quản lý xây dựng BTLSQG, cũng cho rằng, câu chuyện nền kinh tế đất nước, bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước thì luôn luôn có khó khăn, đặt vấn đề lúc nào phồn vinh thì mới đầu tư xây dựng cho bảo tàng thì sẽ quá chậm. Khối lượng xây dựng cũng như tổng kinh phí đầu tư cần tính đúng và đủ. Cần được thẩm định một cách nghiêm túc, khoa học. Xin tham khảo một số bảo tàng ở các nước giầu có mới hoàn thành: Một bảo tàng mới nhất ở Mỹ như Bảo tàng Tin tức được đầu tư khoảng 450 triệu USD; Bảo tàng Quai Brandly do đích thân sáng kiến của Tổng thống Pháp Jacque Chirac - dưới 250 triệu Euro; Bảo tàng Cổ vật Ai cập- khoảng 550 triệu USD. Việc đầu tư cho văn hóa cần đi trước một bước và cần tính đến sự lâu dài. Cũng theo ông Huy, xã hội nên có cách nhìn nhận lại về văn hóa hay bảo tàng, bởi nếu được xây và vận hành tốt, tổ chức nội dung có hiệu quả thì bảo tàng sẽ góp phần vào phát triển kinh tế đất nước thông qua việc phát triển nền công nghiệp không khói, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Vấn đề là làm thế nào để bảo tàng đó có nội dung dựa chính vào hiện vật, kể chuyện thực sự hấp dẫn là chuyện lớn nhất và quan trọng nhất. Tức là, cần tạo ra được một bảo tàng thật sự hấp dẫn, ngoạn mục, đạt đến một trình độ của bảo tàng ở thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, đảm bảo được tính hiện đại, áp dụng được khoa học kỹ thuật, công nghệ trưng bày tiên tiến nhất. Thông qua hiện vật, giúp người xem hiểu rõ được lịch sử đất nước. Hiện nay, trình độ nhân lực trong nước chưa đủ để tự đáp ứng yêu cầu một bảo tàng lớn như vậy, chúng ta cần lựa chọn đội ngũ tư vấn nước ngoài hiểu được văn hóa Việt Nam, có tư duy phóng khoáng, sáng tạo. Có đội ngũ tư vấn tốt thì hy vọng sẽ có một bảo tàng hấp dẫn.


Với đề xuất tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày), thì dự án xây dựng BTLSQG được coi là một trong những dự án đầu tư cho văn hóa lớn nhất từ năm 1945 đến nay. Ông Cường khẳng định, việc triển khai xây dựng BTLSQG sẽ không chạy theo một mốc văn hóa, chính trị nào, mà phải đảm bảo thực hiện tốt cả phần xây dựng và nội dung trưng bày, bao giờ xong thì sẽ mở cửa trưng bày cho nhân dân thưởng lãm.


Có thể nói, phản ứng của dư luận về việc không nên đầu tư quá lớn cho xây dựng bảo tàng thời điểm này vì quá lãng phí cũng là phản ứng tự nhiên, bởi dự án sử dụng ngân sách nhà nước, có phần đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, trước ý kiến cho rằng, việc đầu tư cho văn hóa phải có một tầm nhìn xa, phải đi trước một bước, thì việc đầu tư cho một bảo tàng như BTLSQG là cần thiết. Song, cũng từ những phản ứng này, những người thực hiện dự án càng phải cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi triển khai, sẽ phải tính toán để thực hiện dự án một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất, làm sao để xây dựng được một công trình tốt, có ý nghĩa, có các hoạt động phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng, phục vụ được người xem một cách tốt nhất.

 

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN