Họa sĩ nhà quê và mối duyên với khắc gỗ

Tranh của Phạm Khắc Quang lồ lộ vẻ nhà quê, từ nội dung đến phương thức thể hiện. Và chính anh cũng công nhận điều đó vì “tôi sinh ra từ làng quê”.

Lớn lên trên mảnh đất rối nước tại Hải Dương, ngay từ nhỏ, những hình ảnh về quê hương yên bình đã đi vào tâm thức của Phạm Khắc Quang, rồi theo anh lớn dần lên cùng năm tháng.

Họa sĩ Phạm Khắc Quang tại triển lãm cá nhân đầu tiên của mình.


Đam mê hội họa, sau khi tốt nghiệp khoa Đồ họa, ĐH Mỹ thuật Hà Nội, Quang làm mọi việc liên quan đến mỹ thuật; bên cạnh đó, từng bước tìm kiếm những chi tiết cần thiết để tự dựng một chiếc máy in kẽm và sắm sửa vật dụng làm đồ họa. Anh mày mò với kỹ thuật và chất liệu dễ tìm trên cơ sở kiến thức đã có, trong đó, khắc gỗ là chất liệu anh gắn bó hơn cả.

Năm 2008, Phạm Khắc Quang tham gia triển lãm đồ họa quốc tế ở Vân Nam (Trung Quốc), được mở rộng tầm mắt khi xem rất nhiều hình thức, chất liệu đồ họa. Đặc biệt, anh ấn tượng với những sáng tác khắc gỗ màu. Nó có khả năng diễn tả tinh tế nhờ kỹ thuật khắc phá bản. Kỹ thuật này chỉ sử dụng một bản gỗ cho nhiều lần khắc và in. Mỗi lượt màu tương ứng với một lần khắc. Bản khắc sẽ bị phá bỏ gần như hoàn toàn sau lượt in cuối.

Khi về nước, kỹ thuật khắc phá bản đã khơi dòng sáng tạo cho họa sĩ Khắc Quang trong chùm sáng tác nhân vật Tễu của nghệ thuật rối nước dân gian. “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê có truyền thống múa rối nước nên từ nhỏ, đã được xem nghệ nhân của làng thổi hồn vào những khúc gỗ, cục tre, biến chúng trở thành những nhân vật có tích, có trò. Từ dáng vẻ đến tinh thần, con rối như là hình ảnh rút gọn, đặc trưng rất Việt. Điều đó đã gợi liên tưởng cho tôi rằng, phải chăng, trong cuộc sống đương đại, rối cũng sẽ vào vai nhiều “nhân vật” ở nhiều khía cạnh xã hội”, họa sĩ Quang tâm sự.

Từng đoạt huy chương Bạc tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010 nhưng Phạm Khắc Quang vẫn không bằng lòng với chính mình. Anh không ngừng tìm tòi những thể nghiệm mới trong nghệ thuật. Trong triển lãm cá nhân đầu tiên của mình, anh đã dùng chất liệu khắc gỗ truyền thống để đề cập trực diện đến cuộc sống của người nông dân Việt Nam hôm nay. Anh đã đưa chú Tễu đến với cuộc sống đương đại, làm nhân vật chính trong các câu chuyện thời cuộc.

Tễu có khi là một thương lái, một doanh nhân lừng lững và viên mãn giữa chợ đời. Cũng có khi, Tễu lại là người nông dân hóm hỉnh trong mối quan hệ cộng đồng làng xã, cùng nhau làm mùa, cùng nhau vui chơi. Bên cạnh việc sử dụng thủ pháp đa nhân cách hóa nhân vật chính - chú Tễu - một cách thông minh, họa sĩ cũng cẩn trọng và tỉ mỉ trong kỹ thuật khắc gỗ giúp biểu đạt rõ ràng thông điệp xã hội.

Trên quốc lộ 5 từ Hà Nội về Hải Dương mà Phạm Khắc Quang vẫn thường đi lại, theo năm tháng, biết bao nhiêu thứ thay đổi. Một phần không nhỏ ruộng đất, làng mạc được thay bằng những công trường nhà máy, đẩy người nông dân xa dần với công việc ruộng đồng thường nhật. Tỷ lệ thuận với sự phát triển công nghiệp là sự ô nhiễm, trong đó có cả ô nhiễm môi trường và ô nhiễm về tâm hồn của không ít người. Quang đã thông qua khắc gỗ để nói lên điều này.

“Tôi đã chụp ảnh chân dung những người nông dân mà tôi tình cờ gặp ở quanh làng trong mỗi dịp về quê để tạo ra một nghìn bức chân dung khắc gỗ đen trắng, mỗi chân dung mỗi vẻ. Có thể coi 1.000 bản khắc gỗ ấy như những cây lúa lớn lên từ đồng ruộng, cũng như những người nông dân sinh ra, lớn lên trên mảnh đất quê hương mình”, anh Quang nói.

1.000 bản khắc chân dung người nông dân ở đa dạng lứa tuổi được khắc trên bề mặt của chiếc xẻng gỗ đã thể hiện một cách sống động chân dung người nông dân hôm nay. Những tác phẩm xuất phát và mang hơi thở làng quê của Phạm Khắc Quang có khả năng gợi mở câu chuyện rộng lớn về số phận của cánh đồng - cũng là số phận người nông dân trong một bối cảnh xã hội đang đổi thay từng ngày. Điều đó cho thấy sự tâm huyết của Quang trong việc sử dụng nghệ thuật khắc gỗ truyền thống để kể với khán giả hôm nay những câu chuyện thời cuộc.

Dương Nam Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN