Hà Nội: Phục dựng tòa Phương Đình trả lại giá trị gốc cho hồ Văn

Hồ Văn cùng với vườn Giám và các công trình kiến trúc cổ là bộ phận không thể tách rời của quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Giữa hồ có đảo Kim Châu. Vào thời Lê, trên đảo này có dựng Phán Thủy Đường, là nơi tụ họp bình văn, đọc thơ của các sĩ phu Bắc Hà.

Đến thời Nguyễn, nơi đây dựng đình ngói giữa hồ. Do biến động về thời gian, các công trình trên đảo Kim Châu đã biến mất và hiện nay, các cơ quan quản lý Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã quyết tâm phục dựng để hoàn trả giá trị gốc cho hồ Văn. 

Chú thích ảnh
Phối cảnh công trình phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu tại hồ Văn. Ảnh: TTXVN phát

Tìm lại giá trị đã mất

Dù là một hạng mục quan trọng của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhưng hồ Văn có một số phận khá long đong. Bởi, giai đoạn trước năm 1940, hồ Văn và Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thuộc quyền quản lý của tỉnh Hà Đông, khu vực hồ Văn bị tách khỏi địa phận của di tích, đồng thời bị xâm phạm nghiêm trọng.
 
Trước tình hình đó, năm 1939, các sĩ phu Hà Nội, Hà Đông đã đệ đơn trình Thị trưởng Hà Nội và Công sứ Toàn quyền Bắc Kỳ xin tu sửa lại hồ Văn và trả lại hồ Văn về địa phận Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trong thập niên 40, hồ Văn được trao trả cho Hà Nội. Từ năm 1946 đến đầu những năm 1990, việc tu sửa hồ Văn bị sao lãng, hồ Văn lại bị lấn chiếm và xâm phạm nghiêm trọng.

Trên gò Kim Châu hiện lưu giữ 2 tấm bia cổ ghi lại việc trao trả, tu sửa hồ Văn năm 1940 và 2 cây si cổ thụ rất đẹp, là những hiện vật gắn liền với những buổi bình thơ tại hồ Văn. Ngoài ra, một không gian thờ tự phát và 2 cây hương mới được đưa vào thời gian gần đây, không liên quan đến vai trò lịch sử của hồ Văn.

Từ năm 1992 đến nay, thành phố Hà Nội đã nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị hồ Văn cùng với Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, song việc phục dựng tòa Phương Đình và tôn tạo gò Kim Châu vẫn là nỗi trăn trở của những người quản lý di tích này.
 
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: Việc phục dựng tòa Phương Đình và tôn tạo gò Kim Châu thuộc hồ Văn nằm trong dự án tổng thể Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và khai thác khu Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Dự án đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận, các ban, ngành liên quan chấp thuận, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt. Không chỉ phù hợp với quy hoạch tổng thể của khu di tích, việc phục dựng Phương Đình và tôn tạo gò Kim Châu còn tăng giá trị cảnh quan xung quanh và phát huy tốt giá trị tổng thể khu di tích.

Từ năm 2017 đến nay, sau khi có thỏa thuận chủ trương lập báo cáo kinh tế, kỹ thuật phục dựng tòa Phương Đình trên gò Kim Châu thuộc hồ Văn, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã phối hợp với phường Văn Miếu, quận Đống Đa, họp với các hộ dân quanh khu vực hồ Văn để tạo sự đồng thuận. Hiện nay, dự án đã bắt đầu triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã giao Ủy ban nhân dân quận Đống Đa phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội, các đơn vị liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực hồ Văn, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong quá trình thi công phục vụ công trình.

Đánh thức nét xưa, lệ cũ

Dù những năm trở lại đây, khu vực hồ Văn được tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để làm sống lại các yếu tố truyền thống như: Hội chữ Xuân, Ngày Thơ Việt Nam, trưng bày sách, trưng bày cây cảnh... song đảo Kim Châu vẫn chưa được khôi phục để khai thác, phát huy giá trị. Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, dự án không chỉ tìm lại những giá trị đã mất mà còn mong muốn tạo thêm không gian văn hóa nghệ thuật phát huy giá trị di tích, phục vụ cộng đồng.

Hạng mục tòa Phương Đình là kiến trúc quan trọng và duy nhất trên gò, sẽ nằm ở vị trí trung tâm của gò, trên trục thần đạo của tổng thể khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hướng quay theo hướng của các công trình chính. Kiến trúc Phương Đình chồng diêm 2 tầng, 8 mái đặt trên nền cao hơn so với mặt sân. Kết cấu bộ khung gồm 16 cột gỗ cùng hệ thống cột cái, cột quân.

Hai cây si cổ thụ là một trong những thành phần có giá trị lớn nhất trên gò, gắn liền với sự hình thành và phát triển của gò Kim Châu sẽ được bảo tồn. Rễ cây mọc trùm, đâm xuyên làm hư hỏng tuyến kè của đảo nên đơn vị thực hiện sẽ giữ nguyên hai đoạn kè cũ, cạp thêm một lớp kè mới ra ngoài. Hai bia đá trong khu vực này được di dời sang vị trí mới trong khuôn viên bồn hoa phía Nam gò Kim Châu.

Trước kia, nếu muốn sang gò Kim Châu sẽ phải sử dụng thuyền nhưng khi nơi này được tu bổ, tôn tạo, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ xây dựng một cầu đá đi sang. Vị trí cầu đá nằm ở phía Tây Bắc của gò, chia làm 5 nhịp lớn, 4 hàng chân cột, được trang trí chạm khắc với các chủ đề dân gian truyền thống. Cùng với đó, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực hiện tôn tạo sân vườn cảnh quan, xây dựng kè hồ, lan can đá gò Kim Châu, chỉnh trang đường đi và cảnh quan khu vực hồ Văn.

Để phục dựng Phương Đình và tôn tạo gò Kim Châu, đơn vị thi công sẽ phải di chuyển điểm thờ tự ra khỏi khu vực này. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng, điểm thờ tự phát ở đây không có trong lịch sử nên cần phải di chuyển để tôn tạo gò Kim Châu. Việc phục dựng Phương Đình và tôn tạo gò Kim Châu cần thực hiện tốt để phát huy giá trị di tích hồ Văn.

Thời gian từ nay đến cuối năm không còn dài, vì vậy, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang tích cực triển khai đảm bảo tiến độ đồng thời tạo nên một không gian đẹp, giàu ý nghĩa, gần nhất với những giá trị gốc.

Đinh Thuận (TTXVN)
Lung linh sắc màu áo dài đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Lung linh sắc màu áo dài đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Tối 9/4, hơn 600 bộ áo dài đa dạng về phong cách, kiểu dáng, sắc màu cùng hội tụ, khoe vẻ đẹp tại không gian văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong sự kiện “Áo dài của chúng ta”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN