Ông Nguyễn Đức Thắng (làng nghề sản xuất lồng đèn Phú Bình, phường 5, quận 11, TP Hồ Chí Minh), người có gần 30 năm tuổi nghề làm lồng đèn truyền thống. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Ký ức ngọt ngào Nhắc đến Trung thu, nhiều người sẽ liên tưởng đến những chiếc đèn ông sao lấp lánh, chiếc mặt nạ kì thú hoặc xa hơn có người sẽ nhớ đến chiếc đèn lồng làm từ vỏ chai, món đồ chơi kì diệu mà những đứa trẻ mộ thời từng háo hức thắp vào đó một cây nến rồi xách đi khắp các ngõ xóm...
Đặc điểm chung của đồ chơi truyền thống là rực rỡ, nhiều màu sắc, tưởng cầu kỳ mà thực chất lại vô cùng đơn giản. Các đồ chơi truyền thống thường được làm từ những nguyên liệu quen nhau như giấy màu, nan tre, vỏ chai… mà chúng trở nên gần gũi, thân thuộc, trở thành biểu tượng của Trung thu, gắn với ký ức tuổi thơ của các thế hệ người Việt.
Trống Trung thu sau khi được chế tác tạo thành khuôn sẽ được các nghệ nhân làng Ông Hảo (làng Hảo) thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên sơn trang trí. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Nguyễn Thu Trang, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội chia sẻ, quê em ở Thái Nguyên, trong ba năm đi học xa nhà, Trang không có điều kiện về quê đón Trung thu cùng gia đình. Hàng năm, em và bạn bè vẫn dành thời gian khám phá ngày rằm tháng Tám ở Thủ đô. Vào dịp Trung thu, em luôn nhớ về những đồ chơi nhỏ bé giản dị do bố mẹ em làm cho em. Trang bày tỏ, với em, những món đồ chơi dân dã ấy rất ý nghĩa và luôn mang đến cho em những kỷ niệm ngọt ngào.
Sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, với Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh Trường Trung học Phổ thông Phan Đình Phùng, kỷ niệm về Trung thu không phải là những đêm trăng cùng bạn bè đi khắp xóm làng mà là vào dịp Trung thu, bố mẹ lại mua tặng em một chiếc đèn ông sao, những bộ váy áo hay chiếc mũ công chúa xinh xắn để động viên em chăm ngoan, học giỏi hơn trong năm học mới. Không khí ấm áp dịp Trung thu cùng những món quà nhỏ bé đã trở thành kỷ niệm về tuổi thơ mà vào dịp Trung thu hàng năm Thùy Linh luôn nhớ đến.
Lưu giữ hồn quê
Ngày nay, dù nhiều thiết bị điện tử, đồ chơi hiện đại đã "lên ngôi" nhưng các món đồ chơi truyền thống vẫn được nhiều bạn trẻ hào hứng tìm về. Những lớp học làm đồ chơi truyền thống được mở ra trong các dịp lễ, Tết thu hút rất đông các bạn là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận. Họ đến để học về lịch sử của các đồ chơi truyền thống và cách làm ra từng món đồ chơi.
Những chiếc mặt nạ được các nghệ nhân làng Ông Hảo (làng Hảo) thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên tỉ mẩn vẽ mô phỏng lại các nhân vật dân gian. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Nằm trong chuỗi chương trình “Vui Tết Trung thu 2017” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức, các sinh viên tình nguyện từ nhiều trường Đại học tại thành phố Hà Nội đã được tập huấn cách làm đồ chơi truyền thống, từ chuồn chuồn tre, quạt giấy, chong chóng đến đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi… Sau khóa tập huấn, đội tình nguyện viên được chia thành nhiều nhóm nhỏ để hướng dẫn lại cách làm các đồ chơi truyền thống cho các thiếu nhi tham gia đêm hội trăng rằm.
Em Đinh Thị Mỹ Linh, thành viên Câu lạc bộ Tuyên truyền văn hóa lịch sử Thăng Long, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trưởng nhóm làm quạt giấy cho biết, đồ chơi truyền thống là một phần tuổi thơ của em, do đó em mong muốn truyền tình yêu của mình đến các em nhỏ, để các em có thể cảm nhận được rằng, đồ chơi Việt Nam rất đẹp và ý nghĩa.
Tham dự lớp tập huấn của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội không chỉ có các bạn nữ mà còn có cả những bạn nam. Em Nguyễn Đức Ninh, sinh viên năm nhất Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, các đồ chơi truyền thống như mặt nạ, tò he, chong chóng… có sức hút đặc biệt đối với em. Trong đêm hội, Ninh sẽ hướng dẫn các em nhỏ cách làm quạt giấy, giúp các em nhỏ có một đêm Trung thu trọn vẹn, ý nghĩa hơn.
Tại các cửa hàng đồ chơi Trung thu ở Hà Nội, những quầy đồ chơi truyền thống vẫn hiện diện.. Chị Nguyễn Hằng, chủ một cửa hàng tạp hóa tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết: “Đèn ông sao là một trong những mặt hàng có sức mua ổn định nhất vì giá rẻ và mẫu mã bắt mắt, trẻ em rất thích. Có những người, Trung thu năm nào cũng mua 1, 2 chiếc về bày trong nhà”.
Tại phố đi bộ bên bờ hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần luôn thấp thoáng bóng dáng những nghệ nhân tỉ mẩn ngồi nặn tò he, thổi sáo trúc hay tô vẽ chuồn chuồn tre. Những món đồ chơi bình dị này ẩn chứa giá trị sâu sắc về văn hóa truyền thống.
Với việc tìm về các món đồ chơi truyền thống vào dịp Trung thu của các bạn trẻ, chúng ta tin rằng những giá trị văn hóa truyền thống sẽ còn mãi với thời gian.