Vui hội trăng rằm ở Khu đô thị Ecohome2, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. |
Dù cuộc sống ngày một hiện đại hơn, Hà Nội trải qua nhiều sự đổi thay nhưng cảm giác ấm áp quen thuộc, háo hức mong chờ ngày Rằm tháng Tám vẫn luôn hiện diện đâu đó trong trái tim mỗi người dân Thủ đô…
Tết Trung Thu vẫn được coi là “Tết của thiếu nhi”. Trên những con phố bán đồ chơi Trung Thu như phố Hàng Mã, Lương Văn Can và trong từng ngõ nhỏ là ánh mắt rạng rỡ của trẻ thơ cùng tiếng cười giòn tan khi cầm trên tay chiếc mặt nạ đầy màu sắc, những chiếc đèn lồng nhỏ xinh.
Tại các khu dân cư, công tác chuẩn bị Tết Trung Thu cho các cháu thiếu nhi đang được triển khai gấp rút. Các anh, chị trong Đoàn thanh niên tất bật mua sắm, chuẩn bị đồ chơi, bánh kẹo bày biện trên mâm cỗ ngày rằm. Nhiều khu phố còn có đội múa lân, tập dượt mỗi ngày.
Bạn Nguyễn Thu Trang ở Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ: “Năm nào Đoàn thanh niên thôn mình cũng vận động tổ chức Trung Thu cho các em thiếu nhi. Dù đã lớn nhưng cứ đến Trung Thu mình lại háo hức vô cùng, luôn hồi tưởng về những ngày ấu thơ vô lo vô nghĩ, thích thú cầm chiếc đèn lồng, cùng những đứa bạn hàng xóm dắt díu nhau theo đội múa lân đi vòng quanh làng. Đó là những ký ức rất ngọt ngào không sao quên được”.
Ở các trường Tiểu học cũng vậy, bên cạnh không khí nghiêm túc học tập thi đua khi vừa bước vào năm học mới, các thầy cô giáo cùng các em học sinh cũng háo hức trông đợi ngày Rằm tháng Tám gần kề. Nào đèn lồng, nào đèn ông sao, những chiếc mặt nạ hình con thú,… được dùng để trang trí cho lớp học thêm sinh động. Chỉ còn đợi đến đúng ngày Rằm, hoàn thành trang trí mâm cỗ với đầy đủ ngũ quả, bánh nướng, bánh dẻo là thầy trò cùng phá cỗ, sẻ chia những giây phút rộn ràng, ấm áp
Dịp Tết Trung thu tại Hà Nội năm nay có nhiều thay đổi. Những hoạt động vui chơi dành cho thiếu nhi cũng nhiều hơn, đa dạng hơn. Đó là sự kiện “Rước trăng chơi phố” - Lễ hội Trung thu lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội - một điểm nhấn không thể bỏ qua trong mùa Trung thu năm nay. Lễ hội do nhóm Đình Làng Việt phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức trong hai ngày 20/9 và 26/9 được xem như một món quà Trung thu đậm bản sắc dân tộc dành tặng trẻ em Thủ đô.
Bên cạnh đó là hoạt động đón Tết Trung thu sớm cho các em nhỏ tại nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố. Những hoạt động này vẫn diễn ra đều đặn hàng năm, được tổ chức bởi chính những bạn sinh viên tình nguyện trẻ tuổi, năng động. Trong suốt lễ đón Trung thu sớm, vẫn tràn ngập tiếng cười, niềm hạnh phúc của các em nhỏ. Xuyên suốt đêm hội, có những giọt nước mắt đã rơi, giọt nước mắt hạnh phúc, không khí Trung thu như gần lại với tất cả các em… Tết Trung thu là thế, luôn ấm áp, giản dị, gần gũi mà đỗi xúc động, thân thương đến vậy...
Bạn Đinh Khánh Linh, tình nguyện viên tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, từ khi trở thành sinh viên Đại học, năm nào Khánh Linh cũng tham gia tổ chức chương trình tình nguyện cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Linh bày tỏ, có những em nhỏ từ năm ngoái đến năm nay vẫn phải ngồi xe lăn, bên cạnh là ống truyền nước, nhưng các em vẫn cười rất tươi, cùng hát, cùng vỗ tay theo từng bài hát Trung thu quen thuộc. Có những em bệnh tình không tốt, chỉ nằm trên giường, khi thấy các anh, chị mặc áo xanh của đoàn tình nguyện đến, lại cố ngồi dậy, mỉm cười rạng rỡ khi cầm trên tay những chiếc bánh trung thu.
Nhắc đến Trung thu, không thể không nhắc đến bánh nướng, bánh dẻo - món quà truyền thống quen thuộc, đậm đà bản sắc Việt Nam. Bánh Trung thu có lẽ thể hiện rõ nét nhất những thay đổi trong Tết Trung thu xưa và nay. Xưa, bánh Trung thu chỉ có nhân thập cẩm truyền thống. Bánh mang đậm hương vị cổ truyền, được làm từ nguyên liệu gần gũi, giản dị như đỗ xanh, thịt lợn, lá chanh, lạc, vừng...
Bánh dẻo được đóng bằng khuôn gỗ và những chiếc bánh nướng được nướng trong bếp lò than. Còn ngày nay, mâm cỗ đêm Rằm trở nên phong phú và trang trọng hơn với sự góp mặt của các loại bánh lạ miệng, đẹp mắt nhưng vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt, thứ hương vị ngọt bùi, thanh tao, tràn trề hương đồng gió nội.
Một mùa Trung thu nữa lại đến, thưởng thức chiếc bánh nướng, bánh dẻo với ly trà nóng để thấy yêu thêm cái cảm giác ấm áp, quen thuộc bên gia đình, để tìm về một chút bình yên mà rộn ràng, háo hức dưới ánh trăng nơi phố thị. Dù là thiếu nhi hay người trung tuổi, là công nhân hay trí thức, Trung thu luôn đẹp và ấm áp như vậy, vẫn len lỏi và tràn đầy trong trái tim mỗi người…