Đây là chủ đề có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện đại, ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là văn hóa ứng xử gia đình. Nhiều vấn đề ứng xử xã hội ngày càng phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của từng gia đình và toàn xã hội.
Nơi quan trọng để nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá: Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong thời kỳ toàn cầu hóa, nhân cách con người Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp. Một mặt, đó là sự nâng cao rõ rệt về trình độ học vấn, sự phát lộ về tài năng trí tuệ, cải thiện đáng kể về thể chất, tầm vóc. Nhưng mặt khác, xã hội lại có sự chuyển biến tiêu cực về đạo đức, lối sống; sự tha hóa về nhân cách; sự rối loạn về thị hiếu, thẩm mỹ; lệch lạc trong nhân sinh quan, thế giới quan.
Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá kịp thời công cuộc xây dựng con người Việt Nam hiện nay để có những điều chỉnh, đối sách phù hợp, hiệu quả.
Người Việt Nam từ xưa luôn coi trọng gia đình, bởi đây là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là trường học đầu tiên để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác Hồ khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Do đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Chia sẻ về vai trò của gia đình, ông Hoa Hữu Vân, nguyên Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Nói về gia đình hạnh phúc thì sự hạnh phúc phải được xây đắp từ nhân cách ý thức, hành động hàng ngày của người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con...
Trong giáo dục gia đình, người lớn phải dạy cho trẻ nhỏ những điều giản dị nhất như chào hỏi, cảm ơn, nhặt được của rơi phải trả lại người mất, kính già, yêu trẻ, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn, ai cũng có trách nhiệm với bản thân, xã hội...
Kho tàng tục ngữ ca dao của dân tộc cũng là một trong những nền tảng của đạo đức, văn hóa ứng xử, có giá trị lâu bền của dân tộc mà con trẻ cần được học, được dạy ngay từ nhỏ qua lời ru, lời dạy của bà, của mẹ để dần dần thấm nhuần ý nghĩa. Ví dụ như: Kính già già để tuổi cho; ăn trông nồi ngồi trông hướng; học ăn, học nói, học gói, học mở…
Ông Hoa Hữu Vân chia sẻ, nếu như trước đây, con ngoan trước hết phải biết đi thưa, về hỏi, lễ phép với ông bà, cha mẹ, chăm chỉ làm việc nhà, kính thầy, yêu bạn... thì ngày nay rất nhiều gia đình đồng nhất khái niệm một đứa trẻ ngoan phải là đứa trẻ học thật giỏi, giành nhiều điểm tốt, phần thưởng. Còn ông bà, bố mẹ sẵn sàng phục vụ con cháu từ A đến Z vô điều kiện.
Với cách dạy quá nuông chiều con trẻ ở nhiều gia đình, nhất là gia đình thành thị vốn ít con, theo các chuyên gia là không tốt, sẽ dẫn đến hậu quả là con trẻ thiếu kỹ năng sống, vô cảm, vô ơn. Nhiều trẻ không biết cách ứng xử, thậm chí hỗn hào với người lớn, bắt nạt người bé hơn vì quen được nuông chiều, muốn gì được nấy. Khi trưởng thành, những đứa trẻ như vậy thường không chịu được sức ép của cuộc sống, đạo đức không được giáo dục đầy đủ nên luôn đặt cái tôi cá nhân lên trên hết, không còn biết sợ, không đủ nhân ái, vị tha và chia sẻ với người khác...
Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển với các thiết bị thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng trong đời sống, đặc biệt là mạng xã hội đã kết nối người dùng trên toàn thế giới cùng chia sẻ. Thế nhưng mạng xã hội cũng cho thấy cách ứng xử của cộng đồng đối với một vụ việc, nhất là giới trẻ.
Rất nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội hiện nay được đánh giá là a dua theo tâm lý đám đông. Nhiều người bình luận rất bản năng bằng những ngôn từ khiếm nhã, không kiểm chứng, xem xét kỹ lưỡng bản chất vụ việc, thậm chí nhiều người rất vô tư chia sẻ thông tin không đúng sự thật lan tràn trên mạng xã hội mà không cần biết đúng sai, hậu quả…
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
Trong xu thế hội nhập và phát triển ngày càng mạnh mẽ, việc tăng cường giáo dục, phát huy giá trị gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa gia đình văn minh tiến bộ trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội bền vững.
Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khắc phục các vấn nạn trong hôn nhân gia đình đang có xu hướng gia tăng.
Vừa qua, kế hoạch thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" năm 2019 tại 12 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền văn hóa trên cả nước cũng được ban hành. Trong đó, vùng văn hóa Tây Bắc có Lào Cai, Yên Bái; vùng văn hóa Việt Bắc có Cao Bằng, Quảng Ninh; vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ có Hà Nội, Thái Bình; vùng văn hóa Trung Bộ gồm Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận; vùng văn hóa Tây Nguyên có Lâm Đồng, Đắk Lắk và vùng văn hóa Nam Bộ có Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang.
Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng với 4 tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm: Ứng xử vợ chồng; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.
Các tiêu chí này góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, các tiêu chí giúp củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Bộ tiêu chí ứng xử này được áp dụng cho các thành viên trong gia đình với tiêu chí ứng xử chung là: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Trong đó, tôn trọng là đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau. Bình đẳng là nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Yêu thương là có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau. Chia sẻ là cùng nhau vun đắp tình cảm, san sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá: Việc xây dựng, củng cố các quy tắc đạo đức trong xã hội, ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội là một giải pháp quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử trong xã hội. Các bộ quy tắc, tiêu chí có thể giúp ổn định trong từng nhóm nhỏ, từ đó lan tỏa ra các nhóm lĩnh vực khác nhau để đảm bảo sự ổn định rõ ràng trong hành vi ứng xử của từng nhóm xã hội trong hoạt động cụ thể…