Gian nan thu phí bản quyền âm nhạc

"Thu phí bản quyền âm nhạc còn nhiều gian nan mặc dù nhận thức của xã hội về quyền tác giả và quyền liên quan đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây".

Đây là nhận định của nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sỹ Việt Nam) tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 3/1 tại Hà Nội chuẩn bị cho sự kiện kỉ niệm 10 năm thành lập Trung tâm.

Nghe nhạc ở Việt Nam vẫn phần lớn là... miễn phí. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Nhạc sỹ Phó Đức Phương cho biết: Qua 10 năm hoạt động, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã cố gắng, nỗ lực bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, hướng công chúng tới việc sử dụng âm nhạc có bản quyền. Từ năm 2002, khi bắt đầu hoạt động, Trung tâm chỉ thu được số tiền bản quyền hơn 78 triệu đồng cho 274 nhạc sỹ, tác giả ủy quyền thì đến năm 2012, con số này đã lên tới gần 47 tỷ đồng.

Trong năm 2012, Trung tâm đã thực hiện 3 kỳ chi trả tiền bản quyền cho các thành viên trong nước, quốc tế với số tiền là hơn 27,4 tỷ đồng. Cuộc chi trả tới đây sẽ diễn ra ngày 24/1/2013 với tổng số tiền chi trả là 10 tỷ đồng... Trong đó, số tiền chi trả cho các tác giả quốc tế chiếm từ 15-20% số phí thu được ở Việt Nam, nhiều hơn hẳn so với số tiền các tổ chức quốc tế thu được cho các tác giả, nhạc sỹ Việt Nam từ các chương trình biểu diễn ở nước ngoài.

Thông tin từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho thấy: Trong năm 2012, số phí bản quyền âm nhạc thu được nhiều nhất là từ dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại di động, chiếm từ 25-30% tổng số tiền thu được. Tiếp theo là từ các chương trình biểu diễn âm nhạc, thu được từ Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam tốt hơn khu vực phía Bắc do miền Nam có thị trường âm nhạc sôi động hơn, ý thức chấp hành bản quyền tốt hơn.

Hiện tại, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đang tích cực hợp tác với 13 website trong nước cung cấp tác phẩm âm nhạc đến với công chúng qua mạng internet để thực hiện thí điểm thu phí nhạc số. Từ tháng 11 đến ngày 26/12/2012, số tiền thu phí nhạc số mới chỉ đạt khoảng 17 triệu đồng, còn rất khiêm tốn.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm, chỉ thu phí một số album nhạc, tiến tới trong năm 2013 sẽ tiến hành thu phí toàn bộ các album nhạc số, thu phí nghe online trên mạng chứ không dừng ở thu phí tải nhạc xuống như hiện nay.

Tuy nhiên, cái khó của việc thu phí nhạc số hiện nay đang đặt ra và cần phải giải quyết nhanh chóng đó là kênh thanh toán chưa được thuận lợi cho khách hàng sử dụng. Việc thu phí tất cả các album nhạc và nghe nhạc online sẽ bắt đầu vào quý II năm 2013 nhằm từng bước hướng người nghe nhạc đến việc nghe nhạc có bản quyền, tôn trọng quyền tác giả...

Ngày 5/1 tới đây, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ tiến hành kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho những nỗ lực thực thi bản quyền tác giả âm nhạc.

Đến nay, sau 10 năm hoạt động, đến nay Trung tâm đã trở thành thành viên chính thức của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới (CISAC). Đồng thời, Trung tâm cũng ký kết hợp tác với gần 50 tổ chức quyền tác giả âm nhạc có phạm vi hoạt động tại 138 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, mang lại quyền lợi chính đáng cho các tác giả, nhạc sỹ trong nước, quốc tế.


Thanh Giang
Bản quyền nhạc số: kẻ né, người đòi
Bản quyền nhạc số: kẻ né, người đòi

Nhiều clip nhạc trên mạng chia sẻ video YouTube không thể xem được mà chỉ có nội dung “Clip đã bị xóa vì có khiếu nại bản quyền từ XYZ...”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN