“Gái xuân” là đêm nhạc tiền chiến duy nhất được các ca sĩ hàng đầu của Việt Nam hát tặng khán giả thủ đô hướng tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Đêm nhạc sẽ diễn ra hồi 20 giờ ngày 15/4 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Trong đêm nhạc, người nghe sẽ được sống trong không gian nhạc tiền chiến cùng những khúc hát xuân xanh và nhớ thời yêu dấu.Nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha thường gọi dòng âm nhạc thời trước Cách mạng Tháng Tám là dòng nhạc của thưở bình minh của nền tân nhạc. Đấy là những nhạc phẩm trữ tình được các nhạc sĩ thời kỳ đầu tân nhạc viết từ giữa thập kỷ 30 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và người ta thường gọi là nhạc tiền chiến. Có thể thấy những đồng hành của văn học nghệ thuật chuyển mình đầu thế kỷ 20 như: Văn có “Tự lực văn đoàn”, thơ có “Phong trào Thơ mới” và âm nhạc có “Tân nhạc”.
Hơi thở của dòng nhạc này lan tỏa vào đời sống và phát triển mạnh mẽ đến năm 1954. Một số các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý... được sáng tác vào khoảng thời gian 1945 - 1954. Thậm chí, những ca khúc của Phạm Đình Chương, Cung Tiến sáng tác sau đó rất nhiều cũng được xếp vào dòng nhạc tiền chiến. Khi nói tới tân nhạc, người ta sử dụng khá nhiều tên gọi, nhạc tình lãng mạn, nhạc tình lãng mạn 1938 - 1954... Nhưng cái tên thông dụng nhất vẫn là nhạc tiền chiến.
Trong chương trình “Gái Xuân” này, khán giả sẽ được sống trong không gian nhạc tiền chiến của các nhạc sĩ quen thuộc như Lê Thương, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Trần Hoàn... Và khám phá những nhạc phẩm “ít cổ điển hơn” của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên và Từ Vũ.
Trong đêm nhạc, khán giả gặp những giọng ca đẹp, gắn bó với nhạc tiền chiến như Mai Hoa với chất giọng trầm ấm sâu lắng với nhạc phẩm “Lệ đá” của Trần Trịnh phỏng thơ Hà Huyền Chi; “Tiếng dương cầm” của Văn Phụng; Anh Thơ truyền cảm xúc đặc biệt đến người nghe qua chút buồn thương mây, gió, trăng, hoa với “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong; “Trương Chi” của Văn Cao; Trọng Tấn trải nghiệm mới mẻ với nhạc Ngô Thụy Miên trong “Mắt biếc”; Việt Hoàn với “Tình nghệ sỹ” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh và “Tình hoài thương” của Phạm Duy. Đêm nhạc cũng có sự góp mặt của Thanh Lam với “Cô đơn” của Nguyễn Ánh 9, “Nửa hồn thương đau” của Ngô Thụy Miên; Tùng Dương với nhạc phẩm “Ngậm ngùi” của Phạm Duy và “Mùa thu cho em” của Ngô thụy Miên.
NSND Trần Bình, người trực tiếp đạo diễn chương trình đã chia sẻ: “Tôi muốn mang đến một đêm nhạc chất lượng nghệ thuật cao, có sự lựa chọn những điểm mới mẻ trong đời sống âm nhạc hiện nay. Đó là những tình khúc của Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9, Ngô Thụy Miên bên cạnh những “cây đa, cây đề” của dòng nhạc tiền chiến như Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Trần Hoàn”. Trước những băn khoăn về ca sỹ Trọng Tấn lần đầu hát “Mắt biếc” của Ngô Thụy Miên, một trong những nhạc phẩm đã gắn bó với tên tuổi của Tuấn Ngọc, NSND Trần Bình, đạo diễn chương trình nói: “Hát nhạc Ngô Thụy Miên, Tuấn Ngọc với cách hát của anh như “món ăn quen thuộc” của một lớp khán giả nhưng Trọng Tấn hay Tùng Dương sẽ có cách xử lý riêng để truyền tải hết cảm xúc đến người nghe. Và khán giả sẽ khám phá ra sự tươi mới, khác lạ. Tôi tin, Trọng Tấn với giọng hát dày, ấm, đàng hoàng còn Tùng Dương có nhiều chiêu ma mị sẽ đáp ứng được yêu cầu nghệ thuật và mong muốn của khán giả khi hát nhạc Ngô Thụy Miên”.
Các nghệ sĩ biểu diễn trong đêm nhạc “Gái xuân” đều mong muốn mang niềm đam mê, tình yêu, tiếng hát của mình gửi những lời tri âm tới những nhạc sĩ đã để lại những tác phẩm bất hủ đánh dấu một chặng đường âm nhạc ngỡ mang tính thời đại mà ru êm mọi thời: “Tân nhạc Việt Nam”.
Nguyễn Kim Anh