Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình sửa đổi – còn nhiều băn khoăn

Mục tiêu của VCCI khi tổ chức hội thảo là nhằm tạo ra một diễn đàn thảo luận chính sách rộng rãi, công khai để giúp các cơ quan nhà nước lựa chọn ra phương hướng chính sách phù hợp nhất, đạt được lợi ích lớn nhất.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. 

“VCCI mong muốn góp phần xây dựng một văn bản chính sách phù hợp, đảm bảo lợi ích của quốc gia, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế theo đúng chủ trương của Quốc hội và Chính phủ”, đây là khẳng định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đang chủ trì soạn thảo, diễn ra sáng 12/12, tại Hà Nội.

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham) tổ chức, có sự tham gia của đại diện các cơ quan bộ ngành liên quan, các hiệp hội, chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc tại buổi hội thảo, ông Michael DiGregorio, đại diện Amcham Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn có một môi trường đầu tư công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”.

Theo các đại biểu, một trong những thay đổi cơ bản, đáng chú ý của Dự thảo Nghị định là mở rộng định nghĩa "dịch vụ phát thanh truyền hình", bao gồm cả dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet; các chương trình trong nước, chương trình nước ngoài, phim và các nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh khác. Trong đó, các nội dung số như video, nhạc trực tuyến phải được biên tập, biên dịch theo quy định của Luật Báo chí và nhà cung cấp phải đảm bảo tỷ lệ số lượng chương trình trong nước trong tổng số chương trình cung cấp trên dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet không thấp hơn 30%.

Dự thảo cũng yêu cầu kênh chương trình nước ngoài cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam phải không bao gồm nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài. Các nội dung quảng cáo (nếu có) phải được cài đặt tại Việt Nam và do các cơ quan báo chí được cấp giấy phép biên tập là đầu mối thực hiện cài đặt quảng cáo, chịu trách nhiệm về thời lượng, nội dung quảng cáo bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo như đối với kênh truyền hình trả tiền (có nghĩa là không vượt quá 5% thời lượng nội dung).

Đặc biệt, quy định tại dự thảo thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này theo hình thức thu phí phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và xin giấy phép hoạt động tại Bộ TT&TT.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ: “Mục đích sửa đổi Nghị định này nhằm đảm bảo cạnh tranh và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường, nhưng trong Dự thảo Nghị định lại quy định thêm việc cấp phép, như vậy liệu có đi ngược lại với mục tiêu đã giải trình”.

Cụ thể, theo bà Thảo, Dự thảo không bổ sung thêm điều kiện kinh doanh nhưng lại bổ sung danh mục ngành nghề, dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền. “Trong dự thảo này đã mở rộng phạm vi lĩnh vực quản lý sẽ thậm chí có tác động lớn hơn việc bổ sung điều kiện kinh doanh. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo mở rộng đến tất cả các nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh, như vậy sẽ bao phủ một khối lượng rất lớn nội dung trên online, đặt ra câu hỏi về khả năng quản lý. Mặt khác, Thủ tướng đã có yêu cầu nếu thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh đều phải báo cáo Chính phủ, trong trường hợp này việc mở rộng phạm vi ngành nghề chịu điều kiện kinh doanh còn nghiêm trọng hơn, có thể phải thuộc thẩm quyền Quốc hội”, bà Minh Thảo nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trinh Thiết, đại diện VNG tỏ ý băn khoăn vì nội dung hình ảnh âm thanh khác, dẫn đến nhiều đối tượng khác bị ảnh hưởng. “Phạm vi Nghị định có áp dụng đối với các nền tảng trung gian cung cấp nội dung của người dùng đưa lên như mạng xã hội hay không, vấn đề này chưa được Dự thảo làm rõ”, ông Thiết chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam nhất trí với ý kiến của CIEM, đồng thời cho rằng nội dung Dự thảo Nghị định phức tạp và mở rộng quá nhiều, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, thậm chí đề cập đến các lĩnh vực ngoài phạm vi của Bộ TT&TT như lĩnh vực phim điện ảnh hay yêu cầu tỷ lệ tối thiểu 30% các chương trình trong nước... khiến các doanh nghiệp không rõ Bộ TT&TT hay Bộ VHTTDL sẽ quản lý vấn đề này. 

Luật sư Đặng Thanh Sơn, chuyên gia về luật và chính sách từ Công ty Baker McKenzie cũng bày tỏ lo ngại về một số thay đổi trong Dự thảo Nghị định sẽ tạo thêm các gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và là rào cản cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nội dung số tại Việt Nam. Các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường sẽ cần huy động một nguồn lực lớn để đảm bảo công tác quản lý và triển khai các quy định, đặc biệt là quy định yêu cầu đăng ký thêm giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình trả tiền và biên tập, biên dịch. Quy định không được phép bao gồm nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài, các nội dung quảng cáo (nếu có) phải được cài đặt tại Việt Nam cũng có thể vi phạm cam kết của Việt Nam theo WTO.

Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam và Hiệp hội Truyền hình đa kênh Châu Á (AVIA- trước đây là Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á Thái Bình Dương) đề nghị cơ quan quản lý cần khoanh vùng quản lý tập trung vào các dịch vụ có thu phí vì số lượng các nội dung miễn phí trên Internet rất lớn, khó bao quát hết. Đồng thời, ông cũng lưu ý tính khả thi trong một số quy định của Dự thảo như việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp nội dung phải nộp hồ sơ xin cấp phép cho Bộ TT&TT bao gồm danh mục nội dung dự kiến và thỏa thuận bản quyền đối với chủ sở hữu bản quyền.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT, danh mục nội dung có thể lên đến hàng nghìn bộ phim, việc cung cấp danh mục và thỏa thuận bản quyền của toàn bộ các nội dung này là khó khả thi. Cũng như vậy, do số lượng nội dung trong danh mục có thể rât lớn nên việc Dự thảo quy định tỷ lệ nội dung trong nước tối thiểu 30% là rất khó đáp ứng. Ông cho rằng việc áp dụng cơ chế quản lý của dịch vụ phát thanh truyền hình để quản lý nội dung OTT sẽ không phù hợp vì có sự khác biệt về bản chất giữa haai loại hình dịch vụ, nếu ban hành quy định như dự thảo hiện thì nghị định mới sẽ sớm phải sửa đổi vì không thi hành được trên thực tế.

Buổi hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp đa chiều, đặc biệt là những ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, những đối tượng sẽ thực thi và chịu tác động trực tiếp từ những quy định của Nghị định. Những ý kiến này sẽ được VCCI tổng hợp và gửi đến các cơ quan hữu quan nhằm góp phần xây dựng một văn bản pháp luật hiệu quả, thúc đẩy phát triển một môi trường pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển bền vững.

Hoài Hương
Mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, đưa đường lối, chính sách đến với đồng bào dân tộc
Mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, đưa đường lối, chính sách đến với đồng bào dân tộc

Ngày 11/10, tại tỉnh Tuyên Quang, Đài Tiếng nói Việt Nam công bố quyết định phát sóng kênh thời sự VOV1 và kênh chương trình tiếng dân tộc VOV4 trên tần số 88Mhz tại khu vực Tuyên Quang và các tỉnh lân cận, qua đó nâng cao chất lượng và mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, đưa thông tin tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN