Sáng 28/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 50 Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU GA 50).
ABU GA 50 có thể coi là sự kiện lớn nhất trong năm của ngành phát thanh truyền hình khu vực. Hơn 500 đại biểu quốc tế là các nhà quản lý cấp cao nhất của hơn 200 thành viên Hiệp hội là các tổ chức phát thanh, truyền hình trong khu vực và thế giới, các tổ chức đối tác và các quan sát viên từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, gần 200 đại biểu trong nước đã tham dự Kỳ họp.
Với chủ đề “Phục vụ khán giả trong kỷ nguyên số”, Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 50 Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương được xem là góc nhìn toàn diện về bức tranh phát thanh truyền hình khu vực. ABU GA 50 bao gồm một chuỗi các hoạt động dày đặc, kéo dài từ ngày 23/10 đến hết ngày 29/10 với nhiều với nhiều cuộc họp, phiên thảo luận, diễn đàn và các hội thảo quan trọng.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong thời đại ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ số và truyền thông hội tụ đang hình thành một kỷ nguyên truyền thông mới, thu hẹp những khoảng cách về không gian và thời gian. Nhờ dòng dữ liệu số, khán giả có thể xem các chương trình truyền hình ở bất cứ nơi đâu, trên đa dạng các loại hình thiết bị thu nhận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tiến trình số hóa đang là xu hướng tất yếu để các đài phát thanh truyền hình trên thế giới hướng tới nhằm nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, nhiều chiều của khán thính giả. Đây thực sự là cơ hội thuận lợi cho sự phát triển, nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ, đòi hỏi các cơ quan truyền thông đại chúng, các tổ chức phát thanh truyền hình phải luôn năng động, sáng tạo và hợp tác hiệu quả hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán thính giả.
Nhận thức rõ xu hướng phát triển đó, Chính phủ Việt Nam đã luôn ưu tiên, dành sự quan tâm đầu tư và có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của ngành phát thanh truyền hình Việt Nam, theo hướng hiện đại hóa về công nghệ, chuyên nghiệp hóa về hoạt động sản xuất chương trình, đa dạng hóa về thể loại và loại hình dịch vụ. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập khu vực và thế giới nhằm không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả của phát thanh truyền hình trong công tác thông tin tuyên truyền, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc và tăng cường hữu nghị, hợp tác với các quốc gia, các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và triển khai đề án số hóa phát thanh truyền hình Việt Nam đến năm 2020, nhằm chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số.
Đề án thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh truyền hình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình, từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân. Phát triển hài hòa, hợp lý các loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình. Khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành và xu hướng phát triển trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, Kỳ họp lần này, với chủ đề “Phục vụ khán giả trong kỷ nguyên số” sẽ là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các diễn giả và các nhà quản lý cấp cao đến từ các tổ chức thành viên, các đối tác liên kết của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương có thể trao đổi, thảo luận, chia sẻ nhận thức, xu thế, tầm nhìn và đề ra phương hướng mang tính chiến lược; cũng như các chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhằm phát triển ngành phát thanh truyền hình, tăng cường hợp tác song phương, đa phương giữa các tổ chức thành viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin nhanh, chính xác, đa dạng về mọi mặt của đời sống xã hội, của khán thính giả và đóng góp thiết thực vào hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển của các quốc gia, các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.
Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU), được thành lập năm 1964, với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia thành viên trong lĩnh vực phát triển phát thanh truyền hình, hợp tác trao đổi chương trình, tư vấn về kĩ thuật, dịch vụ, đào tạo nhân sự chuyên ngành phát thanh truyền hình.
Hiện nay, ABU có 255 thành viên ở 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thành viên liên kết ở châu Âu và Bắc Mĩ. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam là thành viên của ABU từ năm 1976. |