Dọn tro đốt hàng mã tại một chùa trong dịp lễ hội tại Hà Nội |
Tuy nhiên, những năm gần đây, “phú quý sinh lễ nghĩa”, hàng mã ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu, từ bình dân đến cao cấp với tiền polyme âm phủ, nhà lầu, xe hơi, máy bay.... Tình trạng này vừa tốn kém, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Theo Viện Nghiên cứu Tôn giáo, việc đốt hàng mã là do ảnh hưởng của người Trung Hoa theo quan niệm trên dương gian đồng tiền có thể làm được mọi việc ở mọi nơi, dưới âm phủ giấy cũng có thể dùng để mua bán.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu Phật học thì trong giáo lý Phật giáo không có quy định đốt hàng mã. Âm - dương là hai thế giới hoàn toàn khác nhau không thể cảm ứng được... Khi hỏi chuyện các sư thầy về tình trạng nhà nhà mua hàng mã thì đều được khẳng định: “Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín đốt vàng mã. Phật giáo khuyên giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian, ăn chay niệm Phật và phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh”.
Trong Phật giáo có câu “Dương thịnh âm siêu”, nếu không có thành tâm thì làm việc gì cũng vô ích, do đó người dương biết làm phúc, để người âm siêu thoát.
“Tôi nghĩ, chúng ta thành tâm cầu nguyện hồi hướng tâm đức. Nếu có tiền để mua sắm vàng mã đốt thì nên dùng tiền đó để chia sẻ cho những người nghèo khó”, Đại đức Thích Hải Hòa cho biết.
Còn Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt cho hay, bản chất của việc đốt hàng mã bị biến tướng đi bởi những người có hành vi vụ lợi. Nếu cho rằng việc đốt hàng mã làm người sống cảm thấy trong lòng thanh thản hơn, an lạc hơn thì chỉ là cách đánh lừa tâm thức.
Theo một số chuyên gia, việc đốt hàng mã càng thịnh hành dưới thời nhà Nguyễn, chúa Trịnh khi Nho giáo thịnh hành theo lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn. Từ đó kết hợp với tín ngưỡng dân gian, việc đốt hàng mã lan sâu vào tâm thức người dân Việt Nam.
Trong vài năm gần đây, việc đốt hàng mã ở di tích, lễ hội vẫn còn nhiều, thậm chí có những giá hầu đồng bày đồ mã chật kín cả khu di tích. Việc đốt hàng mã không chỉ hoang phí mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Từ năm 2010, Chính phủ đã đưa ra Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, bao gồm việc đốt hàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác và tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã. Tuy nhiên, sau nhiều lần tổ chức các hội nghị quán triệt chấn chỉnh việc hạn chế đốt vàng mã trong hoạt động lễ hội nhưng vẫn dừng ở khâu tuyên truyền.Đến Nghị định 158, Chính phủ cho phép xử phạt đốt đồ mã ở những nơi không đúng quy định, nhưng lại không quy định rõ những nơi nào không được đốt vàng mã nên càng khó xử phạt.
Mới đây, trong năm 2016, UBND thành phố Huế quy định về đốt hàng mã trong thùng thay vì đốt vào gốc cây, lòng đường, vỉa hè, khói bụi mù mịt. Nhưng trong thực tế, những quy định mới ban hành nên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động...
Theo các nhà nghiên cứu, để xử lý tận gốc nạn đốt hàng mã, ngoài việc tuyên truyền cho người dân về sự lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường, các cơ quan chức năng cần làm rõ quy định trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích. Lực lượng chức năng địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, đốt vàng mã trên địa bàn, tại khu di tích.
PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, để việc tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả thì nhân tố đầu tiên và rất quan trọng để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân trong việc đốt vàng mã, đồ mã là sự tham gia vào cuộc của các sư trụ trì, các chủ cơ sở thờ tự, bởi họ là những người có vị thế, cũng là những người hiểu biết về các nghi thức để hướng dẫn cho người dân thực hành đúng.