Đến hẹn lại lên, rằm tháng 7 âm lịch là dịp thị trường hàng mã trở nên sôi động. Tại các phố như Hàng Mã, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân (Hà Nội), những đồ hàng mã đủ loại, màu sắc sặc sỡ được treo khắp nơi, người mua kẻ bán tấp nập.
Cửa hàng vàng mã luôn tấp nập vào rằm tháng 7. |
Qua tham khảo của phóng viên, đồ hàng mã năm nay phong phú, đa dạng hơn về mẫu mã, và giá cả cũng nhỉnh hơn năm trước.
Đối với các loại hàng mã truyền thống như giấy tiền vàng, sớ, quần áo, giày dép, mũ nón... có giá từ 30.000-100.000 đồng/bộ tùy theo chất liệu của giấy. Giá một bộ trang sức gồm đồng hồ, nhẫn, dây chuyền, thắt lưng, điện thoại Nokia… là 60.000 - 80.000 đồng. Những mặt hàng đặc biệt như xe máy SH, Vespa có giá từ 70.000 -150.000 đồng/xe; xe ô tô loại 4 chỗ có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/chiếc; các mặt hàng “thời trang” như váy, quần bò hàng hiệu, giày, dép... cao gót thì có giá đắt hơn, chẳng hạn một bộ váy thời trang có giá từ 170.000 - 250.000 đồng.
Chủ một cửa hàng bán hàng mã tại phố Hàng Mã cho biết, năm nay, số người tìm mua Iphone 4s, máy tính bảng Ipad, laptop của các hàng Acer, Vaio... nhiều hơn. Mức giá của các sản phẩm này dao động từ 100.000 - 250.000 đồng tùy loại. Các loại biệt thự có giá từ 300.000 - 500.000 đồng, nếu thêm “sổ đỏ” thì phải trả thêm từ 100.000 - 200.000 đồng... Thậm chí, có cửa hàng còn bày bán cả "trạm bán xăng dầu", với mức giá từ 150.000 - 200.000 đồng.
Theo đánh giá của những người chuyên kinh doanh hàng mã, để tăng sức cạnh tranh nên hàng mã năm nay có nhiều đổi mới, đẹp, tinh xảo hơn... Từ quần áo, tủ lạnh, ô tô, máy bay đều được làm với kiểu dáng đẹp. Những hàng mã này thường được nhập từ những vùng chuyên sản xuất hàng mã ở Đông Hồ (Bắc Ninh), Thường Tín (Hà Nội)...
Đốt hàng mã vào những ngày lễ tết là một nét văn hóa tâm linh đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều người Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây tập tục này đang bị lạm dụng và gây lãng phí lớn. Nếu như trước đây, mỗi gia đình chỉ mua một ít tiền, vàng hoặc một vài bộ quần áo tượng trưng để đốt cho ông bà, tổ tiên, thì ngày nay nhiều người coi việc đốt hàng mã như là để “hối lộ” người âm. Có gia đình mỗi năm bỏ hàng chục triệu đồng để mua hàng mã đốt. Chị Nguyễn Thị Bình, chủ một cơ sở làm và bán hàng mã ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, bên cạnh việc sản xuất hàng mã truyền thống, cơ sở của chị còn nhận đặt hàng mã theo thiết kế của khách. Theo chị Bình, năm nay, số lượng khách đặt hàng riêng là những ngôi nhà cao tầng, ô tô, máy bay... đông hơn năm trước, có người bỏ ra hàng chục triệu đồng để đặt chị làm chiếc ô tô kích cỡ to đúng bằng ô tô thật, kèm theo đó là biệt thự, ô sin, điện thoại và cả cây xăng để đốt cho người âm... “Nhìn người ta bỏ hàng chục triệu mua đồ về chỉ để đốt, đến tôi cũng cảm thấy xót xa vì lãng phí quá” - chị Bình cho biết.
Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, việc đốt hàng mã hiện nay của một bộ phận công chúng đã trở nên thái quá, gây lãng phí rất lớn. Không những thế, việc đốt hàng mã quá nhiều còn gây ô nhiễm môi trường và gia tăng nguy cơ cháy nổ. Thực tế cho thấy, đã có nhiều vụ đốt hàng mã dẫn đến hỏa hoạn cháy nhà, điển hình như vụ cháy lớn ngày 26/8 vừa qua trên đường Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), khiến cho một cụ già bị chết, hàng chục căn nhà bị cháy rụi, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, cách suy nghĩ "trần sao âm vậy", hay đốt nhiều vàng mã càng nhiều may mắn, tài lộc nhiều là quan niệm hoàn toàn sai lầm, mà điều quan trọng chính là sự thành tâm. Bởi vậy, mọi người cần có cái nhìn đúng hơn về bản chất của tập tục này và nên hạn chế đốt vàng mã, không nên biến ngày lễ đầy ý nghĩa nhân văn như rằm tháng 7 trở thành hoạt động mê tín như hiện nay.
Phương Hà