Hàng hiệu đau đầu vì… hàng mã

Nhiều thương hiệu thời trang danh tiếng thế giới đang khốn khổ khi ngày ngày trông thấy các sản phẩm giày dép, quần áo, túi ví cao cấp của mình bị sao chép ý tưởng, thậm chí là lấy luôn nhãn hiệu để làm thành… đồ hàng mã.

Đã từ lâu, người dân Trung Quốc và nhiều nước châu Á có thói quen đốt vàng mã cho người thân đã qua đời. Họ hy vọng người đã khuất sẽ nhận được đồ cúng lễ và sống đầy đủ ở thế giới bên kia. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, người sản xuất đồ vàng mã đã thỏa sức biến hóa giấy màu và khung tre thành đủ loại vật dụng y như thật dựa theo nhu cầu của khách hàng. Gần đây khi đời sống đã được cải thiện, đồ vàng mã vì thế cũng được nâng cấp thành nào là máy tính bảng, điện thoại thông minh, nào là túi xách, giày dép hàng hiệu. Sẽ không có gì đáng bàn nếu hành động trên không xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nổi tiếng.

Một quầy hàng mã ở Hong Kong.

Cuối tháng 4 vừa qua, hãng thời trang cao cấp Gucci của Italy đã viết thư gửi tới một số cửa hàng vàng mã ở Hong Kong (Trung Quốc), nhắc nhở họ ngừng bán những chiếc túi xách làm từ giấy màu, nhái sản phẩm đẳng cấp của Gucci. Gucci thấy lo ngại khi logo của họ xuất hiện quá nhiều trên các mặt hàng vàng mã ở Hong Kong - một thị trường sôi động bậc nhất nhì châu Á và có nền tảng thực thi luật sở hữu trí tuệ khá nghiêm túc.

Đại diện của Gucci thông báo rằng không muốn “công chúng hiểu nhầm Gucci đang bán đồ tang lễ. Là một thương hiệu, chúng tôi cần phải bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình”. Để bày tỏ sự tôn trọng với tập quán văn hóa của người Hong Kong, Gucci đã chọn cách “tiếp cận mềm mỏng” trên thay vì hành động theo đúng luật pháp. Song các luật sư đã sớm tiên lượng rằng Gucci sẽ khó đạt được mục đích bởi vi phạm bản quyền xảy ra khi người vi phạm có ý định trà trộn hàng giả vào hàng thật, gây tổn hại về lợi ích kinh tế đối với bên sở hữu bản quyền. Hơn thế, chẳng có ai lại nhầm lẫn giữa một chiếc túi hàng hiệu với một chiếc túi hàng mã cả. Vì lý thì vậy, còn về tình thì sao?

Quả như dự báo, hành động của Gucci đã hứng một “rổ đá” chỉ trích trên mạng xã hội từ người dân Hong Kong vì đã động chạm đến một tục lệ lâu đời vô hại. Trước những phản hồi tiêu cực đó, Gucci đành rút lại yêu cầu ngừng bán “Gucci vàng mã” cũng như gửi lời xin lỗi đến người dân Hong Kong.

Đa số các cửa hàng nhận được thư nhắc nhở của Gucci đã đồng ý dừng bán sản phẩm nhái của hãng này, nhưng họ vẫn tiếp tục bán những phiên bản giấy khác của các hãng Chanel, Givenchy, Hermes… Dai Wai-man, chủ của một quầy vàng mã ở quận North Point, cho biết ông thấy ngạc nhiên khi Gucci quyết định rút lại lời đề nghị không bán hàng mã giống sản phẩm của họ, đồng thời bày tỏ sự thấu hiểu nỗi khó khăn của các hãng thời trang hàng đầu nói chung. “Vài người có thể cảm thấy khó chịu khi mua một chiếc túi xách tay Gucci thật nếu như họ nhìn thấy bản copy bằng giấy của nó được bán làm đồ cúng cho người chết”, ông Dai chia sẻ.

Đây không là lần đầu tiên một thương hiệu đẳng cấp bị chỉ trích vì lên tiếng chống lại nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2013, nhãn hiệu Louis Vuitton của Pháp đã buộc tội một chủ tiệm làm tóc ở thị trấn Shau Kei Wan (Hong Kong) vi phạm nhãn hiệu do sử dụng ghế ngồi in họa tiết của hãng này, cùng với yêu cầu bồi thường 25.000 HKD và một lời xin lỗi công khai.

Trung Quốc “góp phần” làm ra trên 60% trong tổng số hàng giả trị giá 461 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu. Hàng giả và hàng nhái chiếm đến gần 10% các sản phẩm may mặc, giầy dép và đồ phụ kiện được bày bán tại các quốc gia Liên minh châu Âu (EU), khiến ngành thời trang của khối này thiệt hại hơn 28 tỷ USD/năm, đồng thời cướp đi ít nhất 363.000 việc làm.


Hoàng Trang (theo BBC, SCMP)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN