Đề xuất xây dựng hồ sơ Di sản văn hoá thế giới cho di tích Óc Eo

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa" nhằm đánh giá những thành tựu nghiên cứu khoa học cơ bản nhất, về văn hoá Óc Eo trên nhiều phương diện kể từ khi phát hiện cho tới nay.

Tháp cổ Vĩnh Hưng- kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại ở Tây Nam Bộ. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Viết Nam cho biết: Óc Eo là một nền văn hoá khảo cổ lâu đời và nổi tiếng ở Nam bộ Việt Nam, đây là nền văn hoá gắn liền với lịch sử của vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam.

Không gian phân bố của nền văn hoá Óc Eo vô cùng rộng lớn, bao gồm phần lớn vùng châu thổ sông Mê Kông miền Nam Việt Nam. Những phát hiện khảo cổ học cho thấy, văn hoá Óc Eo không chỉ giới hạn trong vùng thấp, trũng phía Tây sông Hậu, nền văn hoá này bao trùm rộng khắp đồng bằng Nam Bộ, từ Tứ giác Long Xuyên đến U Minh thượng, Đồng Tháp Mười, đồng bằng Tây sông Hậu, vùng Giồng Cát và ven biển Tây Nam bộ, thềm phù sa cổ Đông Nam bộ đến tận Nam Tây Nguyên (vùng Cát Tiên - Lâm Đồng).

Trên cơ sở từ quá trình phát hiện, nghiên cứu văn hoá khảo cổ tiền sử, sơ sử ở miền Đông và Tây Nam bộ, các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đều khẳng định: Óc Eo - Ba Thê là một khu đô thị, một trung tâm kinh tế - văn hoá lớn của văn hoá Óc Eo - Phù Nam, Nền Chùa được xem như một cảng thị quan trọng, là nơi xuất nhập hàng hoá cho đô thị Óc Eo và các thị tứ trong vùng Tứ giác Long Xuyên

Từ kết quả nghiên cứu ở thời kỳ sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã có các nhận định văn hoá Óc Eo được tạo dựng nên ở vùng châu thổ thấp trũng sông Cửu Long, trên thực tế là nhờ một phần quan trọng ở những nỗ lực sáng tạo của chủ nhân văn hoá Đồng Nai; Óc Eo không phải đã mọc lên trên một vùng hoang vắng không dân cư, mà khu vực này đã là một điểm tụ cư từ rất sớm, ít ra là từ hậu kỳ đá mới hay sơ kỳ thời đại kim khí. Những chiếc rìu hay bôn bằng đá, có vai hoặc tứ giác, tìm thấy ở Óc Eo và các địa điểm như Đá Nổi, Núi Sập...

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung vào các vấn đề tập trung khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa, trên cơ sở nghiên cứu so sánh làm rõ giá trị về văn hoá Óc Eo ở Nam bộ, đồng thời đề xuất xây dựng hồ sơ quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, đề cử UNESCO xem xét công nhận vùng không gian văn hoá Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa, là Di sản văn hoá Thế giới.


Óc Eo là nơi nhà khảo cổ Luis Malleret thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (École Française d'Extrême Orient) tiến hành khai quật khảo cổ đầu tiên vào năm 1944. Sau ngày đất nước thống nhất, các nhà khảo cổ, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế tiếp tục khai quật, nghiên cứu thêm hàng loạt di chỉ ở đây, nhiều nơi khắp Nam bộ và đã phát hiện thêm vô số di chỉ, di vật cổ quý giá.

Những thực thể và các di chỉ khảo cổ này được xếp thuộc nền văn hóa có tên gọi Óc Eo, do Óc Eo là nơi phát hiện đầu tiên và có nhiều di chỉ đặc trưng, tiêu biểu nhất của nền văn minh Phù Nam.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Khởi động đề án nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa
Khởi động đề án nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa

Ngày 11/1, tại An Giang, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức tọa đàm khởi động Đề án nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN