Dự tọa đàm có các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo hai tỉnh An Giang, Kiên Giang, Ban Quản lý di tích Óc Eo - Ba Thê, Ban Quản lý di tích Kiên Giang…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng- Phó ban Chủ nhiệm Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa, sự hình thành nền văn hóa Óc Eo cách đây hai thiên niên kỷ trên vùng đất Tây Nam Bộ đã đánh dấu một bước phát triển của văn minh nhân loại ở khu vực Đông Nam Á.
Từ đó đến nay, lịch sử và thế sự với nhiều thăng trầm khiến việc nhận diện đặc điểm, đánh giá giá trị của nền văn hóa được tiếp tục trong nhiều thế kỷ này không dễ dàng. So với tuổi đời của nền văn hóa này, lịch sử nghiên cứu về nó qua các hiện vật còn lại ở Việt Nam chỉ mới ngót nghét 100 năm và được bắt đầu sau khi nền văn hóa này bị rơi vào quên lãng hàng nghìn năm.
Tuy nhiên, nhờ sự tồn tại của các bằng chứng vật chất còn lại, các nhà khảo cổ học đã "bóc dần các lớp bụi thời gian phủ mờ" lên nền văn hóa, từng là đỉnh cao văn minh trong một giai đoạn dài của một quốc gia cổ ở Đông Nam Á; đã có một số thành tựu của các nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế trong nghiên cứu về sự tồn tại của nền văn hóa này ở Việt Nam.
Các nhà quản lý ở các địa phương, đặc biệt là ở An Giang và Kiên Giang, hai tỉnh có sự phân bố dày đặc di tích và hiện vật của nền văn hóa này cũng đã nỗ lực phát hiện, bảo tồn các chứng cứ của nền văn hóa Óc Eo.
Năm 2012, di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Theo đó, các vấn đề quy hoạch, bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu giá trị nền văn hóa này đã được đặt ra một cách bài bản và đồng bộ.
Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và người dân trên vùng đất có di tích này, đặc biệt là việc làm rõ các ngộ nhận và việc chưa ý thức hết giá trị của nền văn hóa này với tư cách là các chứng cứ hùng hồn khẳng định sự chiếm lĩnh vùng đất, sự sáng tạo nên các giá trị đô thị, kinh tế, văn hóa - xã hội của các cư dân cổ của đất nước Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nêu vấn đề, vùng đất Nam bộ thời kỳ Vương quốc Phù Nam có các bằng chứng như 4 tấm bia cổ bằng chữ Phạn do người Phù Nam để lại, trong đó có một tấm ở Đồng Tháp Mười và 3 tấm ở An Giang. Bên cạnh đó, đạo Phật ở Phù Nam phát triển đến mức “Phù Nam đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong khuôn khổ đề án có dự án thuộc Khu Di tích văn hóa Óc Eo (thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) có quy mô giải phóng mặt bằng 14.700 m2, tổng kinh phí bồi thường là 52,8 tỷ đồng (bao gồm cả phần bồi thường thuộc tỉnh Kiên Giang).
Đến nay, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ đã bàn giao mốc của 8 khu đất trong phạm vi khai quật, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh An Giang đã đo đạc được 2 khu đất và tiếp tục thực hiện ở các khu đất còn lại; dự kiến đến ngày 16/1/2017 sẽ hoàn chỉnh bản đồ hiện trạng các khu đất, cuối tháng 1/2017 sẽ tổ chức họp dân thông qua chủ trương, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án.
Về phía tỉnh Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Diệp Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo- Ba Thê, Nền Chùa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; bên cạnh đó cần có kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy các cổ vật sau khai quật, nhằm phát huy tối đa các giá trị của nền văn hóa Óc Eo.