Phát hiện 49 hiện vật bằng vàng thuộc văn hóa Óc Eo

Trong 3 lần khai quật (các năm 1993, 2009, và năm 2013) tại khu Di tích lịch sử - văn hóa - khảo cổ đặc biệt Gò Tháp (thuộc xã Tân Kiều - huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), các chuyên gia đã thu thập được 49 hiện vật bằng vàng của nền văn hóa Óc Eo.

Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp cho biết: Bộ sưu tập hiện vật là những mảnh vàng lá có hình chữ nhật, tứ giác, hình bình hành, hình tròn, hình chữ D; trên mặt mỗi lá vàng đều có chạm khắc hoa văn. Đề tài chạm khắc rất phong phú, đa dạng, miêu tả về: Thần Vishnu, hoa sen, thảo mộc, linh thú và động vật như bò thần Nandin, lợn Vahara, rắn Shesha... là biểu tượng của thần, hóa thân của thần, vật cưỡi của thần; về linh vật như hình bánh xe Chakra, con ốc Sanhkha. Những lá vàng đều có chung trọng lượng từ 2 ly 7 đến 3 phân 4 ly.

Ngoài những mảnh vàng chạm khắc hoa văn, bộ sưu tập còn có nhóm hiện vật vàng trang sức gồm 4 chiếc nhẫn, 1 khuyên tai và 1 sợi dây vàng. Trong 4 chiếc nhẫn, có 3 chiếc là loại nhẫn tròn, vòng nhẫn tròn đều, đặc, nhẫn trơn, không có trang trí hoa văn. Một chiếc nhẫn có vòng nhẫn tròn, đặc, thuôn nhỏ dần về phần đối diện mặt nhẫn, đặc biệt trên mặt nhẫn ở khoảng giữa khắc chìm hình con ốc, xung quanh bên ngoài có hình dây lá cách điệu.

49 hiện vật bằng vàng thu thập được. Ảnh: dongthap.gov.vn


Chiếc khuyên tai bằng vàng có chốt bấm, hình tròn dẹt, không đều, thuôn nhỏ dần về phía chốt bấm, mặt vành trơn, có đường lõm, không trang trí hoa văn. Nhẫn lớn nhất có trọng lượng 5 chỉ 8 phân. Sợi dây vàng dài 11,7cm được làm từ các khoen hình số 8 ghép lại, cách thức làm giống như các dây chuyền vàng hiện nay. Đa số những hiện vật vàng của Óc Eo đều được phát hiện trong lòng đất, chủ yếu tập trung ở di chỉ kiến trúc.

Bảo tàng Đồng Tháp cho biết: Chức năng của các hiện vật này đang là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đây là loại hiện vật gắn liền với chức năng tôn giáo. Những vật báu này do một hay nhiều tín đồ khi xây dựng các kiến trúc tôn giáo đã đóng góp vào quan niệm những vật này chính là các thần linh và họ sẽ được phù hộ tương xứng với tấm lòng thành kính bằng vật phẩm cúng dường của họ.

Với các hiện vật thuộc nhóm đồ trang sức vàng của Óc Eo, khả năng có ba chức năng như sau: Là những vật được chế tác để làm đẹp cho con người, là tài sản riêng của con người; là vật được đặt theo đơn hàng của con người để làm những vật phẩm dâng cúng cho thần linh; là tài sản riêng của con người nhưng được dùng như một vật phẩm dâng cho thần linh. Đây là bộ sưu tập có chất lượng nghệ thuật và giá trị khoa học đặc biệt, là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc vàng của văn hóa Óc Eo. Hoa văn chạm khắc trên các hiện vật vàng thể hiện chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật chế tác phản ánh sự phát triển cao của nghề kim hoàn của cư dân Óc Eo. Những hiện vật này đã phản ánh trung thực trình độ cao và đặc sắc của một sản phẩm nghệ thuật vô cùng quý giá trong kho tàng văn hóa - nghệ thuật và tôn giáo của cả cộng đồng cư dân thuộc nền văn hóa Óc Eo, đang được tỉnh Đồng Tháp đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia.


Nguyễn Văn Trí
Tiếp nhận hơn 5.000 hiện vật của giáo sư Lê Quang Long
Tiếp nhận hơn 5.000 hiện vật của giáo sư Lê Quang Long

Ngày 21/6, tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học tổ chức lễ tiếp nhận bộ sưu tập hơn 5.000 tài liệu hiện vật của GS.TS Lê Quang Long, người đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển của ngành sinh học Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN