“Trước năm 1945, các tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam, tiêu biểu là Dế Mèn phiêu lưu ký,
hướng đến tính nhân loại, nhờ đó mà có giá trị lâu dài. Các tác phẩm về
sau của ta không được như thế” - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận
định.
Sáng
qua (20/11), đúng ngày Nhà giáo Việt Nam (một sự sắp đặt "có ý tứ" theo
nhà giáo Phạm Toàn), Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm về tác
phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài.
Nhà
văn Tô Hoài (đội mũ) và vợ chụp ảnh lưu niệm cùng những người tham dự
lễ kỷ niệm sáng 20/11 tại Hội Nhà văn Hà Nội. Ảnh: Mi Ly.
|
"Xúc cảm tâm hồn nhân loại"
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng Dế Mèn phiêu lưu ký
truyền tải được "xúc cảm tâm hồn nhân loại" (trích từ một câu nói của
văn hào Nga Gogol), ở tâm lý tuổi thơ và tính hướng thiện.
Chủ
tịch Hội Nhà văn Hà Nội có một so sánh ít ai nghĩ đến: "Năm 1941, ngẫu
nhiên trong văn học Việt Nam xuất hiện hai nhân vật: Dế Mèn của Tô Hoài
và Chí Phèo của Nam Cao. Chí Phèo đòi lương thiện làm người. Dế Mèn đi
tìm thế giới cho người lương thiện. Cha đẻ của hai nhân vật là bạn thân
của nhau. Bây giờ hậu duệ con cháu Chí vẫn đông khi tính thiện đang bị
thách thức. Còn Mèn có ngoái nhìn phía sau vẫn thấy ít bước chân đi
tiếp".
Với Dế Mèn phiêu lưu ký,
khi viết về tâm tư của thế hệ mình và phản ánh xã hội của thời đại
mình, Tô Hoài chọn thể loại truyện đồng thoại, hướng về tuổi thơ, mà
tuổi thơ chính là một biểu hiện của tinh thần nhân loại. Lựa chọn đó đã
đưa Tô Hoài đi đúng hướng, viết nên một tác phẩm, gọi là "kiệt tác"
không biết có quá lời không, nhưng chắc chắn là tiêu biểu nhất của văn
học thiếu nhi Việt Nam từ đó đến nay.
"Viết đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu ký,
tôi không biết phân tích nội dung cũng như cách viết thể loại như bây
giờ. Tôi chỉ viết thực tế quanh tôi và tư tưởng lớp thanh niên như tôi.
Mọi nhận xét và thói quen cũng như phong tục của con người, tôi đều đem
dùng cho việc xây dựng nhân vật", nhà văn Tô Hoài chia sẻ năm 1969,
những dòng này đăng trong cuốn truyện thiếu nhi của ông mới xuất bản
trong tháng này - Chú Bồ Nông ở Sa-mác-can.
Cuộc
ra đi và lý tưởng say mê của Dế Mèn chính là sự giác ngộ chính trị của
thanh niên trong nước dưới ảnh hưởng của Mặt trận Dân chủ Đông Dương
thời kỳ đó. Các nhân vật loài vật trong truyện có tư tưởng hướng đến
"thế giới đại đồng" - một danh từ mà thời đó ai cũng thích nói.
Đó là chuyện cầm bút. Còn về xuất bản, Dế Mèn phiêu lưu ký
ra năm 1941, nằm trong tủ sách Truyền bá của NXB Tân Dân, theo nhà phê
bình Phạm Xuân Nguyên là "vì xuất bản trong thời thuộc Pháp bị kiểm
duyệt và cắt bỏ khá nhiều, sau này tác giả đã cố phục hồi theo trí nhớ
để đưa vào". Theo nhà văn Lê Phương Liên, những đoạn bị cắt bỏ chủ yếu
viết về thực dân Pháp, đã được bổ sung trong những lần in đầu tiên ở NXB
Kim Đồng. Lần đầu là vào năm 1960. Đến nay, hầu như năm nào Dế Mèn phiêu lưu ký cũng được tái bản.
Tô Hoài tuổi 93 và gia đình
Truyện tranh Dế Mèn phiêu lưu ký (NXB Kim Đồng) đã tái bản tới lần thứ 10. |
"Ông
Dế Mèn" đến dự lễ kỷ niệm sáng 20/11 cùng vợ và 3 con. Đội chiếc mũ thổ
cẩm trên đầu, Tô Hoài trông khỏe và tươi tắn hơn so với tưởng tượng của
nhiều người, đặc biệt là so với tuổi tác của ông.
Hơi
lạ là vợ ông - bà Cúc - luôn ngồi cách xa chồng một cái ghế. Lúc đầu cô
con gái Sông Thao ngồi giữa hai ông bà, chăm sóc cho cha, trò chuyện và
nâng cốc nước cho ông uống. Lát sau, khi chị rời đi, chiếc ghế ở giữa
vẫn để trống. Bà Cúc bảo: "Ở nhà ngồi gần ông ấy nhiều rồi, lên đây để
nhường cho người khác". Bà tươi còn hơn cả chồng. Khi ông lên bục phát
biểu, bà nhắn con cháu: "Bảo ông nói ngắn thôi kẻo mệt". Rồi lại cười.
Đầu buổi lễ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: "Chúng ta sẽ nghe chia sẻ của các nhà văn, nhà phê bình về Dế Mèn phiêu lưu ký
và nếu điều kiện sức khỏe cho phép, nhà văn Tô Hoài sẽ có vài lời".
Thực tế là, sức khỏe cho phép. Chỉ có điều, Tô Hoài đã nói về Dế Mèn cả
cuộc đời này (nói thế thì hơi cường điệu, khoảng mấy chục năm nay thì
chính xác hơn).
Từ lâu rồi, đã đến lúc ông nghe mọi người nói. Nhìn Tô
Hoài chống cằm, nhắm mắt, thậm chí cúi đầu che đi gương mặt khi lắng
nghe, người ta hiểu tại sao các con ông ái ngại mỗi khi để bố ra ngoài.
Không phải ông không vui. Trong các sự kiện, ông vui, nhưng khi ra về
lại suy nghĩ rất nhiều.
Tôi
nhớ một lời trong bài phát biểu của Tô Hoài: "Cảm ơn các đồng chí đã có
lời khen ngợi". Đơn giản vậy thôi. Một nhà phê bình nổi tiếng từng nói,
trong cuộc đời này, Tô Hoài dường như đã trải qua tất cả. Ông có rất
nhiều thứ để viết, nhưng thường không nói nhiều.
"Có những nhà văn cả đời sống bằng một cuốn sách", nhà thơ Vũ Nho nói như vậy về Tô Hoài - Dế Mèn và các trường hợp tương tự.
Theo thethaovanhoa.vn