Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai: Với cải lương, không thể vội vã

Vốn là học sinh chuyên văn trường Phan Bội Châu, từng đoạt giải nhất văn của tỉnh Nghệ Tĩnh, ước mơ mà Hoàng Quỳnh Mai (ảnh) ấp ủ là trở thành một nhà báo, nhưng Quỳnh Mai không gặp may vì kỳ thi năm đó chị bị thiếu một điểm. Trong lúc buồn, Quỳnh Mai nghĩ về cải lương, môn nghệ thuật chị yêu thích từ bé và quyết định chuyển hướng sang cải lương. Ngay khi Quỳnh Mai đã thi đỗ vào khoa kịch hát dân tộc của trường sân khấu điện ảnh, các thầy giáo trường Phan Bội Châu vẫn còn tiếc: “Em chịu khó sang năm thi lại, chứ tư duy ấy mang đi ca hát thì phí lắm”. Nhưng sự khuyên can của các thầy và cả sự cấm đoán của cha mẹ cũng không khiến Quỳnh Mai thay đổi quyết định, dù lúc ấy, trở thành diễn viên vẫn là một điều mơ hồ với một cô gái miền Trung.

Ảnh: CTV


Năm 17 tuổi (năm 1986), Quỳnh Mai nổi tiếng khi vào vai một cô gái xinh đẹp nhưng bất hạnh trong tình yêu trong vở kịch “Cô gái Phù Tang” và trở thành gương mặt nổi bật của Nhà hát cải lương Trung ương. Những ngày ấy, nhà chị lúc nào cũng ngập trong hoa, niềm vui như vô tận. Chị bảo, có khi một ngày phải diễn mấy suất. Son phấn không kịp tẩy nên da mặt tuổi dậy thì bị hỏng, đó là cái giá mà chị phải trả. “Nhưng tôi rất sung sướng vì được cống hiến đúng vào lúc cải lương hưng thịnh nhất, điều không phải ai cũng may mắn có được”.

Quỳnh Mai liên tiếp xuất hiện với vai đào chính trong những vở diễn tạo được tiếng vang như “Lôi vũ”, “Trái tim người chị”, “Thời con gái đã xa”, “Ân ái với kẻ giết người”, “Điều không thể mất”... của Nhà hát cải lương Trung ương. “Tôi khóc rất nhiều vì các nhân vật trong những vở cải lương thường có những số phận bất hạnh, đến nỗi có lúc tôi nghĩ bất hạnh có thể sẽ vận vào người mình bất kể lúc nào” - Quỳnh Mai tâm sự.

Cứ thế, cho đến khi tuổi không còn son để bước lên sân khấu, chị quyết định chuyển sang học đạo diễn (năm 2001). Đó cũng là lúc khán giả bắt đầu quay lưng lại với cải lương. Môn nghệ thuật hưng thịnh một thời bị rơi vào khủng hoảng, nhiều đồng nghiệp bỏ nghề tìm cách khác kiếm miếng cơm manh áo. Quỳnh Mai rất trăn trở, mong muốn tìm cách nào đó để cải lương lại được sống trong lòng khán giả. Chị xoay xở tìm kịch bản hay và dốc sức để đưa kịch bản ấy lên sàn diễn. Vở diễn tốt nghiệp “Truyền thuyết một tình yêu” được đông đảo đồng nghiệp khen ngợi, trở thành một trong những tiết mục ăn khách nhất của Nhà hát và vẫn được diễn liên tục từ năm 2005 đến nay.

Vở “Cung phi Điểm Bích”, tác phẩm thứ 2 đã để lại dấu ấn khó quên trong sự nghiệp của Quỳnh Mai. Dưới bàn tay dàn dựng của chị, “Cung phi Điểm Bích” đã thoát khỏi những khuôn sáo ủy mị, được thổi vào hơi thở, sức hấp dẫn của con người hiện đại. Năm 2007, chị mang vở diễn này đi tham dự cuộc thi Tài năng đạo diễn sân khấu trẻ toàn quốc tại TP.HCM và dành số điểm tuyệt đối và khiến các đồng nghiệp phương Nam, nơi vốn là cái nôi của cải lương sửng sốt. Tác phẩm còn được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải vở diễn hay nhất trong năm. Tính đến nay, “Cung phi Điểm Bích” đã diễn được hàng trăm buổi trên tất cả sân khấu lớn nhỏ ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.


Khi chuẩn bị cho “Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc” năm 2009, chị quyết định chọn tác phẩm “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” của nhà viết kịch Phạm Văn Quý. Cách xây dựng nhân vật người anh hùng Lý Thường Kiệt sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng vì sự tồn vong của đất nước của Quỳnh Mai trong vở diễn này đã thuyết phục được Ban giám khảo. “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” đã mang về cho Nhà hát cải lương TƯ tấm Huy chương Vàng cho vở diễn xuất sắc nhất, và nhiều giải cá nhân cho các nghệ sĩ: Giải đạo diễn xuất sắc cho Hoàng Quỳnh Mai, 2 Huy chương Vàng cho nam nữ diễn viên chính, 1 Huy chương Bạc cho diễn viên vai thứ chính cùng giải thưởng cho người làm âm thanh, ánh sáng.

Từ những thành công ấy, Hoàng Quỳnh Mai trở thành một đạo diễn “đắt sô”. Chị nhận được nhiều lời mời dựng vở từ các đoàn nghệ thuật cải lương. Sau “Gươm thiêng trao trả hồ thần” được giải ba của Hội Nghệ sĩ sân khấu năm 2010, chị dựng thêm vở “Giọt đắng oan tình” cho đoàn cải lương Hoa Mai. Hai vở diễn đều khá ăn khách sau khi ra mắt khiến nhiều đoàn lại tiếp tục mời chị dựng vở mới. Nhưng Quỳnh Mai vẫn không vội vã. “Tôi không muốn chạy “sô” dù nó có thể giúp mình kiếm được nhiều tiền, không thể dàn dựng những vở diễn mà chính bản thân mình không hài lòng”, nữ đạo diễn tâm sự.

Huyền Thu
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN