Thời gian gần đây, đời sống âm nhạc có phần hỗn loạn, ngày càng xuất hiện nhiều những tác phẩm âm nhạc phản cảm, dung tục, mà nhiều người gọi đó là “thảm họa âm nhạc”, khiến những người có tâm huyết với nền âm nhạc nước nhà không khỏi băn khoăn, trăn trở.
Dàn hợp xướng “Hanoi Harmony” trong chương trình biểu diễn kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam. Ảnh: CTV |
Từ băn khoăn đó, năm 2011, Hội Âm nhạc Hà Nội đã thành lập Trung tâm khuyến nhạc Hà Nội và dàn hợp xướng “Hanoi Harmony”, nhằm nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc đích thực cho công chúng, đồng thời góp phần xây dựng một đời sống văn hóa thanh lịch của Hà Nội và cả nước.
Sau một năm thành lập, với số buổi biểu diễn còn khá khiêm tốn, nhưng dàn Hợp xướng “Hanoi Harmony” cũng đã để lại những dấu ấn khó quên với những người yêu âm nhạc.
Theo nhạc sỹ Lân Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nhạc Hà Nội, Phó chỉ đạo nghệ thuật dàn hợp xướng “Hanoi Harmony”, với quân số khoảng 50 người, chủ yếu từ các câu lạc bộ nghệ thuật ở Hà Nội, và những nghệ sĩ tâm huyết với âm nhạc như NSƯT.TS, Nhạc trưởng Thiếu Hoa - Chỉ đạo nghệ thuật của dàn hợp xướng, NSND Trọng Nghĩa, NSƯT Bích Việt, và nhiều gương mặt quen thuộc khác... nên thành viên của dàn hợp xướng rất phong phú, từ những vị đại tá quân đội về hưu, đến những em sinh viên còn rất trẻ của Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, các cô giáo dạy nhạc ở trường THPT... Dù ở nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng những người tham gia dàn hợp xướng đều rất đam mê ca hát.
Không có kinh phí hoạt động, các nghệ sĩ tham gia phải tự bỏ tiền túi ra để sinh hoạt hàng tuần, may đồng phục biểu diễn... Nhạc sỹ Lân Cường cho biết: “Tuy điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nhưng các nghệ sĩ vẫn đều đặn luyện tập vào tất cả các buổi sáng chủ nhật, trung bình 3 buổi tập xong một tác phẩm, và đến nay, đã tập được hơn chục tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước như “Người Hà Nội”, “Du kích sông Thao”, “Ca ngợi Tổ quốc”, “Trống cơm”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “Dọc miền quan họ”... và những tác phẩm nổi tiếng của Beethoven, Tchaikovski, những trích đoạn trong nhạc kịch nổi tiếng “Náo loạn thành Babilon” của Rubindtein, “Cô dâu bị bán” của B.Smétana...
Theo nhạc sỹ Lân Cường, sự ra đời của dàn hợp xướng “Hanoi Harmony” giúp khán giả biết thêm một loại hình âm nhạc mang tính hàn lâm, hát Acapella - thể loại dùng giọng hát để đệm cho giọng hát bằng các thủ pháp thanh nhạc mà không cần đệm bằng bất cứ nhạc cụ nào. Từ đó, nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc bác học cho người nghe, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào âm nhạc các nơi, khuyến khích có thêm những dàn hợp xướng khác kiểu Hanoi Harmony.
Phương Hà