100 năm qua, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước, quốc tế khi đến Đà Nẵng. Năm 2009, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được tổ chức Guiness Việt Nam công nhận kỷ lục là một trong 10 bảo tàng Việt Nam thu hút đông khách tham quan nhất.
Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, trải qua 100 năm, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử. Những người có công lớn đầu tiên trong việc xây dựng và đưa Bảo tàng Điêu khắc Chăm vào hoạt động là ông Charles Lemire, công sứ Pháp ở tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1891 đến 1892, Charles Lemire đã cho sưu tập những tác phẩm điêu khắc ở các đền tháp Chăm như: Trà Kiệu, Khương Mỹ, Mỹ Sơn (Quảng Nam) đưa về để tại Công viên Tourane. Đây là địa điểm sau này được chọn để xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Suốt 13 năm (từ năm 1902-1915), các nhà nghiên cứu tâm huyết, tiêu biểu là ông Henri Parmentier - nhà khảo cổ học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu văn hóa Chăm đã kiên trì tìm nguồn kinh phí để xây dựng một Bảo tàng nhằm lưu giữ, bảo tồn hiện vật điêu khắc Chăm ngay tại Đà Nẵng.
Năm 1915, Bảo tàng chính thức khởi công xây dựng, đến năm 1919 hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan. Bảo tàng ban đầu có tên gọi là Musée Cham, Tourane (Bảo tàng Chàm, Đà Nẵng) là một ngôi nhà hình chữ nhật với diện tích trên 300 m2 được trưng bày như một kho mở với khoảng 160 hiện vật.
Sau ngày Bảo tàng thành lập, những đợt khai quật khảo cổ và sưu tầm hiện vật được người Pháp tiếp tục thực hiện, trong đó có hai đợt khai quật lớn ở Trà Kiệu (Quảng Nam) năm 1927 - 1928 và Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1934 đã thu thập về cho Bảo tàng nhiều tác phẩm điêu khắc Chăm có giá trị. Trong 2 năm 1935-1936, Bảo tàng được mở rộng thêm gần 400 m2 để phục vụ trưng bày các hiện vật mới và được Toàn quyền Đông Dương đặt tên là Bảo tàng Henri Parmentier (Muée Henri Parmentier). Với phần mở rộng này, Bảo tàng đã trở thành điểm trưng bày đầy đủ các bộ sưu tập tiêu biểu cho quá trình phát triển của nghệ thuật điêu khắc Chăm trải dài hơn 8 thế kỷ, từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, nâng tổng hiện vật được trưng bày lên gần 300 hiện vật.
Giai đoạn 1954-1975, Bảo tàng thuộc sự quản lý của Viện Khảo cổ Sài Gòn, năm 1963, Bảo tàng đổi tên thành Bảo tàng Chàm Đà Nẵng (The Cham Museum, Danang) hay còn gọi là Cổ Viện Chàm. Hiện nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng quản lý.
Nói về giá trị của những hiện vật Chăm, ông Hồ Tấn Tuấn nhấn mạnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện nay là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc Chăm có giá trị, trong đó có đầy đủ các tác phẩm điêu khắc Chăm tiêu biểu cho nền nghệ thuật Chăm ở miền Trung (Việt Nam). Với hơn 2.000 hiện vật lớn nhỏ, gần 500 hiện vật đang được trưng bày bên trong Bảo tàng, hầu hết đây là những tác phẩm điêu khắc nguyên bản, có nguồn gốc từ các địa phương ở miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định và Kon Tum.
Các hiện vật được chuyển về Bảo tàng trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, thể hiện trên ba chất liệu là sa thạch, đất nung, đồng, đều có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XV, thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, có tính nối tiếp như phong cách Mỹ Sơn E1, phong cách Đồng Dương, phong cách Trà Kiệu…
Năm 2016, thành phố Đà Nẵng đã cho trùng tu toàn diện các tòa nhà Bảo tàng và chỉnh lý, nâng cấp phòng trưng bày theo một lộ trình tham quan tổng thể để giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển của nền văn hóa Chăm. Bảo tàng áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại như máy trình chiếu 3D, hệ thống thuyết minh tự động bằng công nghệ quét mã QR nhằm giúp khách tham quan có thể quan sát các hiện vật dưới nhiều góc nhìn và nghe thuyết minh hiện vật với nhiều ngôn ngữ quốc tế khác nhau.
Để giá trị di sản văn hóa Chăm được thế giới biết đến, Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn phối hợp với các địa phương trong nước và quốc tế như: Bảo tàng Dân tộc học Vienne (Áo) và Bảo tàng Lịch sử Hoàng gia Brussels (Bỉ); Bảo tàng Guimet (Paris)… đưa các hiện vật đi triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá về giá trị của các bộ sưu tập hiện vật Chăm.
Chị Nguyễn Hữu Thị Tường Loan, Cán bộ Phòng Giáo dục và Thuyết minh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm chia sẻ, trong năm qua, Bảo tàng đã đón nhận và tổ chức cho gần 3.000 học sinh đến tham gia chương trình giáo dục “Cùng em khám phá Bảo tàng”. Chương trình nhằm tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn, giúp học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tìm hiểu khám phá lịch sử văn hóa của địa phương, đất nước, đồng thời thực hiện mục tiêu đưa Bảo tàng đến gần hơn với công chúng.
Theo thống kê, hàng năm, lượng khách đến tham quan, tìm hiểu về di sản văn hóa Chăm tăng mạnh. Năm 2018, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón trên 300.000 lượt khách đến tham quan trong đó có 90% là khách quốc tế. Bảo tàng còn là điểm được lựa chọn để tham quan của các vị nguyên thủ các nước và các đoàn khách ngoại giao khi đến thăm, làm việc tại Đà Nẵng.
Anh Nguyễn Đình Hùng, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, đây là lần đầu tiên anh cùng gia đình đến tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Các thành viên trong gia đình đều rất hào hứng và bất ngờ với những tác phẩm điêu khắc độc đáo có từ hàng trăm năm qua. Đặc biệt, khi chứng kiến bốn Bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại đây cũng là dịp để con anh hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa đất nước qua các thời kỳ.
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, trưng bày và triển lãm, năm 2011, Bảo tàng được xếp vào danh sách các Bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam. Qua đó góp phần khẳng định vai trò, những đóng góp của Bảo tàng Điêu khắc Chăm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng khẳng định, những giá trị của Bảo tàng Điêu khắc Chăm như là một “Viên ngọc quý” trong hệ thống Bảo tàng quốc gia. Đây là Bảo tàng được xây dựng và khánh thành đầu tiên trên cả nước. Bảo tàng Điêu khắc Chăm là nơi lưu giữ những bộ hiện vật Chăm đồ sộ nhất và lớn nhất. Công trình tòa nhà Bảo tàng Điêu khắc Chăm trải qua 100 năm hình thành, phát triển với kiến trúc độc đáo, có giá trị như một di tích sẽ được Sở xem xét, nghiên cứu và làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Suốt chặng đường 100 năm xây dựng và phát triển, các hiện vật Chăm tiếp tục được nghiên cứu, khai quật, sưu tầm, bổ sung vào để bảo tồn, gìn giữ, trưng bày và giới thiệu đến công chúng. Thời gian tới, Bảo tàng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày, quản lý hiện vật để tăng tính hấp dẫn và phù hợp với xu thế phát triển của một bảo tàng hiện đại - ông Huỳnh Văn Hùng cho biết thêm.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày khánh thành và mở cửa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm giới thiệu nhiều hoạt động, trưng bày chuyên đề gồm: Trưng bày ảnh tư liệu "Bảo tàng Điêu khắc Chăm - 100 năm xây dựng và phát triển"; trưng bày Kho mở Bảo tàng Điêu khắc Chăm; kết quả khai quật khảo cổ di tích Chămpa Phong Lệ năm 2011 - 2018…