Triển lãm trưng bày gần 50 Châu bản đề cập đến hoạt động của các đơn vị thuộc hệ thống quan xưởng triều Nguyễn trong quá trình chuẩn bị nguyên vật liệu, nhân công và tổ chức sản xuất trong các lĩnh vực chế tác đồ ngự dụng, đúc tiền, đóng tàu thuyền, sản xuất vũ khí và vật liệu xây dựng.
Qua đó, góp phần cung cấp thêm những bằng chứng xác thực từ góc độ tư liệu lịch sử về hoạt động của các quan xưởng triều Nguyễn - một trong những thành phần quan trọng góp phần xây dựng nên di sản văn hóa cung đình Huế.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Châu bản là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế "ngự lãm", "ngự phê" bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội ...
Vì vậy, có thể coi đây là kho lưu trữ tài liệu văn thư hành chính của nhà Nguyễn trên mọi lĩnh vực của xã hội đương thời. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn đã chính thức được Ủy ban UNESCO công nhận là một trong 78 Di sản tư liệu ký ức thế giới.
Cùng ngày, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, thành phố Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức triển lãm "Quan xưởng triều Nguyễn với tinh hoa nghề Việt".
Cùng với việc tổ chức sản xuất trong các lĩnh vực chế tác đồ ngự dụng, đúc tiền, đóng tàu thuyền, sản xuất vũ khí và vật liệu xây dựng, quan xưởng triều Nguyễn ở đây chuyên cung cấp vật dụng sinh hoạt cho hoàng gia, phục vụ hoạt động kinh tế, quốc phòng của triều đình.
Thời Nguyễn, thông qua các hình thức: tuyển chọn, tuyển mộ và thuê mướn, thợ thủ công dân gian giỏi được triều đình trưng tập về kinh đô và phiên chế thành các tổ chức thợ cùng nghề gọi là tượng cục, đơn vị nhỏ nhất của quan xưởng. Bên cạnh đó, các hộ nghề thủ công dân gian ở địa phương cũng được huy động sản xuất sản phẩm tại chỗ theo nhu cầu của triều đình.
Kế thừa kinh nghiệm từ thời các Chúa Nguyễn, Hoàng đế Gia Long (1802 - 1820) đã cho xây dựng hệ thống quan xưởng đa dạng và phong phú hơn. Sang đến triều hoàng đế Minh Mạng (1820 - 1841), Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1847 - 1883), hoạt động của quan xưởng ngày càng phát triển và mở rộng.
Từ sau năm 1885, do sự tác động về mặt chính trị - xã hội, số lượng quan xưởng thu hẹp dần, chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu của triều đình trong một số lĩnh vực với quy mô rất hạn chế. Nhưng những kỹ năng và bí quyết nghề nghiệp tiếp tục được những người lính thợ chuyển giao cho các thợ học việc trong dân gian.
Đây cũng là một trong những yếu tố giúp cho nghề thủ công truyền thống tiếp tục được duy trì, phát triển, góp phần làm đa dạng ngành nghề và sản phẩm trong các làng nghề dân gian ở Huế và các địa phương khác trong cả nước.
Đến với triển lãm "Quan xưởng triều Nguyễn qua Châu bản - Di sản tư liệu Thế giới" và "Quan xưởng triều Nguyễn với tinh hoa nghề Việt", bên cạnh việc chiêm ngưỡng các vật dụng cung đình - đa dạng về loại hình, độc đáo về kiểu dáng và tinh xảo về hoa văn trang trí, được tạo ra từ bàn tay khéo léo và tư duy thẩm mỹ tinh tế của những người thợ thủ công, công chúng và khách du lịch còn có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về cơ cấu tổ chức, phương thức điều hành và hoạt động của hệ thống quan xưởng thời Nguyễn.
Triển lãm mở cửa đến ngày 25/8/2019.