Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và phu nhân: Nghĩa tình sâu nặng

Người ta vẫn nói rằng, đằng sau người đàn ông thành đạt thường có công lao không nhỏ của một người phụ nữ. Điều này đúng với trường hợp của nhà văn Nguyệt Tú. Bà là vợ của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (khóa VIII) và là con gái của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Bà là một người phụ nữ thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp, bà từng là Giám đốc NXB Phụ nữ, nhưng đóng góp của bà đối với sự nghiệp của chồng mình thì không thể phủ nhận.


Thưa nhà văn Nguyệt Tú, bà là một trong những nhà văn có cuộc sống êm đềm và hạnh phúc với người chồng là Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo. Đó là một mối tình mà bà luôn tôn thờ và lưu giữ như một báu vật của cuộc đời mình. Có lẽ thời còn sống, ông và bà có nhiều kỷ niệm lắm?


Anh Lê Quang Đạo ra đi đã hơn mười năm. Tôi và anh, ngoài tình yêu, nghĩa vợ chồng, còn có cả tình đồng chí. Thời còn trẻ chúng tôi viết thư cho nhau rất nhiều, bởi vậy giờ đây đọc lại những bức thư anh viết cho tôi những thời kỳ ở xa nhau, trong lòng tôi dậy lên một nỗi nhớ thương vô cùng.


Những năm 1962, 1963, 1964 là 3 năm tôi được đoàn thể cử đi học Trường Đảng Liên Xô, là ba năm anh bận rộn công tác mà vẫn đảm đang nuôi dạy bốn con, đứa nhớn 13 tuổi, đứa bé 5 tuổi. Anh viết thư ngày “27/1/1963”: “… Anh biết lúc này em cũng đương nghĩ đến anh và các con, đến cả gia đình, đến quê hương, đất nước và nhớ nhiều lắm. Anh ước ao có cách gì làm em khuây khỏa đôi phần. Có lẽ cách tốt nhất là anh hết sức làm việc, và hết sức dạy dỗ con cái, và cũng hết sức gìn giữ vun đắp tình yêu của Tuệ và anh…”.


Ngày 17/11/1963 anh viết: “… Nhìn ảnh sao mà nhớ những ngày sống với nhau quá. Anh thích những tấm ảnh anh và Tuệ chụp riêng với nhau. Anh nom hình Tuệ sao mà giống in đúc, không phải chỉ giống cái vẻ mặt, dáng người mà quan hệ nhất là phản ánh trung thực tinh thần, tính tình của Tuệ và tình yêu của em đối với anh. Tuệ mà có ở đây anh sẽ thưởng cho rất nhiều cái hôn thật nồng cháy. Hiện nay cái ảnh hai đứa ngả đầu vào nhau mà em đã cắt nhỏ lại, anh gấp vào cuốn sách lý luận: “Nguồn gốc của gia đình” để sáng nào đọc sách anh cũng giở ra dựng ở trên bàn để Tuệ cùng đọc sách với anh. Xem hình em rất thích nhưng lại càng nhớ em da diết…”.


Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và phu nhân - nhà văn Nguyệt Tú.


Những mối tình ngày xưa của ông và bà thật lãng mạn và sâu sắc. Điều hạnh phúc nhất là trong bom đạn, ông bà vẫn dành thời gian nhớ về nhau, viết thư cho nhau… Những lá thư tay giản dị nhưng thực sự đã là sợi dây gắn bó, nối gần tình nghĩa. Điều mà bây giờ lớp trẻ thực sự không thể tiếp nối được, vì họ có quá nhiều phương tiện để trao gửi tình cảm!


Tuy ở cách xa nhau hàng vạn cây số, nhưng hàng tuần, chúng tôi vẫn viết thư đều cho nhau kể chuyện mọi thứ. Những năm chiến tranh chống Mỹ, anh Lê Quang Đạo đều làm Chính ủy các chiến dịch nóng: Đường 9 – Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào, Bộ Tư lệnh Đoàn 500, chiến dịch Quảng Trị, hễ có chút thì giờ rảnh, anh vẫn viết thư đều về nhà.


Anh Song Hào từng nói với tôi: “Chiến dịch quyết liệt nhất là ở Khe Sanh, hy sinh gian khổ nhất cũng ở Khe Sanh”. Cuộc tổng tiến công đêm mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc tiến công của ta nổ ra toàn miền Nam làm Mỹ choáng váng. Nhưng Mỹ vẫn dành cho Khe Sanh sự quan tâm đặc biệt.


Đài BBC thời gian này luôn đưa tin, theo dõi sự di chuyển của “Tướng Lê Quang Đạo” đi thực hiện ý đồ lập lại một Điện Biên Phủ của Tướng Giáp ngày xưa. Ngày 7/4/1968, anh Đạo viết thư về cho tôi: “Những lúc vượt đèo núi, xuyên rừng, lội suối, anh lại nhớ đến ngày đi cùng em ở núi rừng Việt Bắc năm xưa, nhất là lúc Tuệ mới ở khu 4 ra. Tuệ nhớ chứ? Tuệ nhớ năm nay là năm gì không nào? Tháng 9 này là kỷ niệm đúng 20 năm ngày cưới của chúng mình đấy”.


Khi đọc thư, tôi không biết rằng anh vừa thoát chết mấy hôm trước. Trong hai ngày, máy bay B52 Mỹ tập trung đánh phá sở chỉ huy chiến dịch, một khu vực rất hẹp. Bộ Tư lệnh gồm anh Trần Quý Hai, Lê Quang Đạo và các đồng chí cùng đi nằm trong bãi bom B52 nhiều giờ liền. Bom ném vào núi đá đổ xuống, đã làm nhiều người bị thương, cả tiểu đội nữ thông tin liên lạc của tổng đài mặt trận hy sinh vì bị bom lấp trong hang đá. Mấy đồng chí cán bộ bị thương nặng và hy sinh…


Những chuyện gian khổ, ác liệt nơi mặt trận anh ít kể trong thư. Ngay cả khi đã trở về nhà, anh cũng không nhắc đến. Sau khi anh mất, bác sĩ Trung trong đoàn kể lại, thoát bom B52, cả đoàn lại bị lạc mấy hôm. Mọi người nhịn đói hai ngày. Một đồng chí tìm được nắm gạo thính trong túi, chia ra làm 13 suất, ăn cho đỡ đói. Mỗi suất chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay. Anh Đạo chia đôi phần gạo thính của mình cho đồng chí liên lạc vừa ốm dậy sau cơn sốt rét.


Trở về từ Khe Sanh, được nghỉ ít ngày, anh Đạo lại chuẩn bị hành trang đi chiến dịch. Anh được phân công làm Chính ủy Bộ Tư lệnh 500. Lúc này, không quân Mỹ ngừng ném bom miền Bắc nhưng tập trung đánh phá dữ dội vùng “Cán Soong”, phía Nam khu 4 giáp với Lào. Bộ Tư lệnh 500 thành lập để giải quyết việc xăng dầu và gạo cho miền Nam. Anh lên đường. Chiến dịch này phần lớn thư có thể gửi về nhanh hơn nhưng lại lâu lắm mới nhận được thư anh. Tôi lo lắng, nhiều đêm mất ngủ. Vào mặt trận hai tháng sau, tôi mới nhận được thư anh”.


Tại sao trong những bức thư của Chủ tịch Lê Quang Đạo, ông không xưng “Anh – Em” thông thường mà hay xưng là “Anh và Tuệ”?


Hồi mới lấy nhau, anh cũng xưng là “Anh – Em” nhưng sau đó tôi thấy không… bình đẳng kiểu gì ấy, thế là tôi đề nghị anh xưng tên và anh chiều ý tôi. Anh gọi tôi bằng tên từ thuở ấy. Tôi vẫn còn giữ những bức thư của anh viết hồi còn xưng “Anh – Em”: “Có người nói có con sẽ yêu con hơn yêu vợ. Anh không tin. Anh không được sống gần con nên tình yêu con có lẽ chưa thật đầy đủ. Nhưng anh cho rằng nó là một thứ tình cảm không thể nói hơn hay kém mà chỉ làm tăng thêm tình vợ chồng”. Đặc biệt, anh Đạo biết tôi rất yêu quê hương Hà Tĩnh cho nên mỗi lần đi công tác tại Hà Tĩnh anh đều viết thư cho tôi.


Người ta nói rằng, “bát đũa còn có lúc xô nhau”, vậy, kỳ thực thì ông bà có lúc nào gặp phải cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” không, và những lúc đó, theo bà, người phụ nữ trong gia đình phải làm gì?


Đúng là vợ chồng thì cũng có những lúc không vừa lòng nhau, điều đó khó tránh khỏi. Vợ chồng tôi thì chẳng có khúc mắc gì lớn. Anh Đạo sống gọn gàng, ngăn nắp. Khi viết văn tôi hay để sách vở bừa bộn trên bàn. Anh phê bình tôi, tôi tự ái, giận anh. Lần sau anh lẳng lặng dọn bàn hộ, không nói gì. Thấy vậy, tôi hối hận, chú ý hơn.


Trong chi tiêu, tôi không tiết kiệm bằng anh. Thời gian đầu chung sống, tôi nghĩ anh quá chặt chẽ. Sau tôi mới thấy anh tiết kiệm với mình nhưng lại rộng rãi với người khác.


Khi ông làm Chủ tịch Quốc hội, một người bận rộn với trăm công ngàn việc vì dân vì nước. Lúc đó thời gian ông dành cho gia đình, cho vợ con có nhiều không?


Chúng tôi có quan điểm khác nhau trong cách dạy con, Tôi muốn kiên trì giải thích cho con mỗi khi chúng mắc lỗi. Anh Đạo tuy hiền nhưng rất nóng. Ngày các con còn nhỏ, thỉnh thoảng anh đánh đòn để răn đe. Tôi giận lắm, cả buổi không nói năng gì. Dần dần anh bớt nóng và tìm cách tối ưu để dạy cho con hiểu.


Đối với tôi, anh Lê Quang Đạo là một người chồng tuyệt vời. Anh dù bận nhưng luôn dành thời gian cho gia đình, con cái. Anh là người bố tuyệt vời vì anh luôn là chỗ dựa cho các con. Anh biết cách chơi với con và động viên con học tập. Khi anh mất đi, gia đình tôi có khoảng trống vô bờ bến, dù các con đã khôn lớn, trưởng thành cả rồi!


Chính vì vậy mà bà đã viết rất nhiều thơ dành cho ông. Bản thân ông có lẽ rất tự hào vì bà là một nhà văn?


Nếu hôm nay tôi được gọi là “nhà văn Nguyệt Tú” thì công không nhỏ thuộc về anh Đạo. Anh rất thông cảm, động viên tôi sáng tác. Khi làm Giám đốc NXB Phụ nữ, tôi bận bịu với việc công, việc nhà nên lười viết. Thấy vậy, anh đều “nhắc nhở”: “Sách Tú viết đến đâu rồi?”. Khi tôi viết về chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Lê Thị Riêng, anh Đạo giúp tôi thu thập tài liệu. Anh là bạn đọc đầu tiên những trang viết của tôi.


Vâng, xin cảm ơn bà đã chia sẻ câu chuyện của mình!



Nhật Huy (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN