Tại Thừa Thiên - Huế, chính sách bảo tồn nhà rường Huế (còn gọi là nhà truyền thống Huế) chưa ngăn chặn được nạn "chảy máu" nhà rường trước cơ chế thị trường. Số nhà rường tiêu biểu trong diện được hỗ trợ để trùng tu, tôn tạo ngày càng giảm. Ngoài việc được Vùng Nord pas de Calais (Pháp) hỗ trợ 558,6 triệu đồng để phục hồi 4 nhà rường truyền thống tại thành phố Huế, thì đến nay rất hiếm có ngôi nhà rường nào được bảo tồn theo dự án.
Nhà rường ở Huế hiện nay không còn nhiều nhưng mỗi ngôi nhà là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của chủ nhân. |
Nhà rường ở Huế, ngoài ngôi nhà rường kiến trúc truyền thống theo kiểu 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái, thường gắn với mảnh vườn có diện tích từ vài trăm đến vài ngàn m2 đất. Chỉ riêng diện tích phải đóng thuế đất đã vượt quá khả năng của nhiều hộ dân, chưa nói đến trùng tu. Điển hình là ngôi nhà của quan Thượng thư Bộ lễ Phạm Hữu Điển, hiện do bà Phạm Thị Túy thừa kế và gìn giữ. Toàn bộ ngôi nhà gồm 1 nhà chính 3 gian 2 chái, và 1 ngôi nhà ngang cũng 3 gian 2 chái bẻ góc thước thợ với nhà chính, được nối thông nhau bằng một nhà cầu xinh xắn ở giữa, khép kín với khu bếp ở nơi hậu liêu. Tòa nhà hầu như vẫn còn nguyên trạng, lợp bằng ngói liệt, nằm ẩn mình dưới vòm cây xanh, hòa quyện với thiên nhiên làm nên cảnh sắc độc đáo. Bà Túy cho biết: Chỉ riêng việc đóng thuế thổ trạch cho ngôi nhà rường rộng hàng ngàn m2 đã quá sức với bà, khi nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào ít hoa quả ở vườn đem bán, nói gì tới việc trùng tu, sửa chữa.
Cùng với bà Túy, tại phường Kim Long hiện còn tồn tại 60 ngôi nhà rường cổ, trong đó có 47 ngôi nhà rường tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống Huế. Cử tri phường Kim Long đã nhiều lần kiến nghị tỉnh có giải pháp trong việc miễn thuế, giảm thuế nhà đất cho hộ dân nằm trong khu vực bảo tồn nhà rường Huế, vì hiện nay diện tích đất đóng thuế của các nhà vườn rất lớn.
Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 1, Pháp lệnh thuế nhà đất năm 1992; Điều 83, Điều 84 mục 3, Luật Đất đai năm 2003, thuế nhà đất tính trên đất ở bao gồm cả đất làm nhà ở và đất làm vườn, thì nhà rường Huế không thuộc diện được giảm thuế. Mặt khác, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do chưa có quy định hạn mức diện tích nhà rường Huế nên chưa có cơ sở xem xét miễn giảm thuế nhà đất đối với các nhà vườn Huế trong danh mục bảo vệ...
Gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Đại học nữ Chiêu Hòa (Sowoa) Tôkyô - Nhật Bản phối hợp tiến hành điều tra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Kết quả điều tra cho thấy, số lượng nhà rường tiếp tục suy giảm do các nguyên nhân: Thời tiết, thiên tai khắc nghiệt và thị trường nhà đất chi phối. Đặc biệt, trong quá trình đô thị hóa hiện nay, đất vườn càng bị "xà xẻo" mua bán, chuyển nhượng làm cho nhà rường Huế ngày càng giảm đi nhanh chóng. Nạn "chảy máu" nhà rường từ quê ra phố, nhà cổ đang trở thành mốt kinh doanh ở thành phố Huế hiện nay.
Biệt phủ Thảo Nhi là một điển hình trong việc đưa nhà rường vào kinh doanh. Chủ nhân của ngôi biệt phủ cho biết anh đã mất 4 năm săn tìm mua lại khoảng 80 ngôi nhà rường cổ, thường nhà bị mục ruỗng, gãy nát từng phần, đem về phục dựng lại thành một hệ thống nhà rường, trên một diện tích rộng chừng 1.500 m2. Nhưng lối kinh doanh này có làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn nhà cổ ở Huế, hay đây cũng là một hướng khôi phục lại vốn nhà rường cổ ở Huế, thì hiện chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra phán xét việc này. Và khi không còn gắn với mảnh vườn, liệu các ngôi nhà cổ ở phố có còn giá trị của nó không?
Vậy là, trong khi chính sách bảo tồn nhà rường Huế chưa đi vào cuộc sống, thì nạn "chảy máu" nhà rường Huế vẫn tiếp tục xảy ra. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cần khẩn trương quan tâm hơn đến vấn đề này.
Quốc Việt