Cho đến hôm nay, sau 58 năm giải phóng Điện Biên Phủ, ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” luôn sống mãi trong lòng nhân dân. Vượt lên trên dòng chảy của thời gian là sức sống mãnh liệt, là tiếng hân hoan hiệu triệu đồng bào, là ca khúc nở hoa giữa lòng các dân tộc anh em miền Tây Bắc.
Ca khúc nở hoa giữa núi rừng
Đỗ Nhuận là nhạc sĩ tài hoa- người cố nhạc sĩ mà tên tuổi của ông gắn liền với những ca khúc viết về bộ đội Cụ Hồ và Trường Sơn huyền thoại. Trong nhiều ca khúc sáng tác về người lính như “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, thì ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” là biểu tượng cao đẹp về sự hội tụ niềm vui của toàn Đảng, toàn quân và dân ta sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1995, trong dịp nhạc sĩ Đỗ Nhuận được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt đầu tiên), khi nói về sự ra đời của ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” ông cho biết: “Tôi đã hình dung ra ngày quân và dân Tây Bắc giải phóng. Những ca từ trong bài hát đều rút ra trong cuốn hồi ký trong những ngày tháng tôi chiến đấu. Tôi nghĩ, mình phải có một ca khúc sáng tác về ngày Điện Biên giải phóng trong sự hân hoan vui mừng của các dân tộc anh em miền Tây Bắc. Vậy là đêm mồng 7/5/1954, tôi đã thức trắng để gieo những nốt nhạc đầu tiên lên những vần thơ. Những ca từ “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui”, đã nung nấu trong đầu tôi nhiều ngày, nhiều tháng trước đó. Ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” là ca khúc ruột của cuộc đời tôi, đã nở hoa giữa miền Tây Bắc”.
Ngay sau khi ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” hoàn chỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trực tiếp thu âm và trở thành bản nhạc “bình minh” chào đón mỗi ngày mới, phát rộng rãi trên toàn quốc. Những nốt nhạc “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về” đã làm nức lòng chiến sĩ cả nước, ăn sâu bám rễ vào tiềm thức nhân dân, có sức lan tỏa khắp năm châu bốn biển và toàn thế giới. Ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” như một “lá chắn” chấm dứt 9 năm trường kỳ đánh thực dân Pháp và tuyên bố với bạn bè thế giới là toàn thắng đã về nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã thất bại hoàn toàn, con người và dải đất Điện Biên đã bước sang ngày mới.
Sống mãi trong lòng nhân dân
Và suốt 58 năm qua, âm hưởng của ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” luôn vang dội khắp non sông, là người bạn đồng hành của những người lính đã từng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ca khúc ấy không chỉ tượng trưng cho lá cờ bách chiến bách thắng, mà còn là “sợi chỉ đỏ” đánh dấu “cột mốc” ngày toàn thắng, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu chen lẫn niềm vui vô bờ bến của quân và dân cả nước. Nó không chỉ có sức lan tỏa rộng rãi trên toàn thế giới, mà còn có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng. Ai cũng thuộc, ai cũng nhớ, ai cũng tự hào.
Khi nói về ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”, nhiều nhà phê bình âm nhạc nhận xét: Đó là tác phẩm điển hình, mẫu mực của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ông đã sáng tạo điệu thức dân ca, vận dụng nhuần nhuyễn sự mới lạ, mang sắc thái những điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo (xắp qua cầu) của đồng bằng Bắc bộ. Tất cả những hình tượng như tiếng kèn, nhịp bước quân hành, những bước chân rạo rực, điệu múa xòe hoa, đều cuộn chảy trong tâm hồn ông, rồi trào dâng thăng hoa thành vần, nhạc, điệu. Con người và phong cảnh Mường Thanh, Điện Biên, Tây Bắc đã được thăng hoa trong những ca từ, nhảy múa trong từng nốt nhạc, hân hoan hùng tráng trong mỗi điệp khúc, tạo thành biểu tượng sắc thái cho chiến thắng vinh quang của dân tộc. Để khi “Núi sông bừng lên, đất nước ta sáng ngời, cánh đồng Điện Biên cờ chiến thắng tưng bừng trên trời” khiến “Cả thế giới đón mừng chiến dịch đại thắng lợi, góp sức xây dựng hòa bình”.
Đảng và nhân dân ta kỷ niệm 58 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đi giữa phố phường rực rỡ cờ hoa, nghe ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” mà lòng người rạo rực. Và dù hơn nửa thế kỷ qua, trải qua nhiều thăng trầm, khắc nghiệt của làn sóng âm nhạc thị trường, ca khúc “Giải phóng Điện Biên” vẫn chiếm vị trí trong trái tim người yêu nhạc, sống mãi trong lòng nhân dân cả nước.
Mai Thắng