Nhã nhạc Huế, ca trù, hát xoan lần lượt được vinh danh di sản văn hóa thế giới. Chưa kể, chúng ta còn có những di sản âm nhạc dân tộc khác như quan họ, đờn ca tài tử… Rõ ràng, chúng ta đang ngồi trên “hũ vàng” mà tiền nhân để lại. Nhưng không dễ bảo vệ, cũng như phát huy di sản này. Một chiến lược bảo tồn đồng bộ cần được cân nhắc và thực hiện nghiêm túc.
TS Lê Thị Hoài Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật:
Cổ nhạc cần chiến lược quảng bá dài hơi
Bên cạnh những nhà hát truyền thống vắng khách, vẫn có nhà hát múa rối đỏ đèn quanh năm. Nhìn sang các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, cổ nhạc hút khách du lịch vô cùng. Cùng trao đổi với TS Lê Thị Hoài Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật) về những việc cần làm cho cổ nhạc.
Gắn bó với cổ nhạc, bà thấy tình trạng chung của loại hình này như thế nào?
Tôi nghĩ thực trạng chung là họ đang cố đến với khán giả, nhưng chưa có một chiến lược có sự hỗ trợ dài hơi của Nhà nước.
Chẳng hạn, Nhà hát Tuồng mấy năm nay rất chịu khó để quảng cáo. Họ có mỗi tuần hai show diễn cho khách du lịch. Họ cũng chạy phụ đề, tóm tắt tiết mục nhưng chưa có hiệu quả gì. Họ cũng đã bắt tay với du lịch nhằm biến các buổi diễn thành sản phẩm du lịch nhưng chưa đi đến đâu bởi ngành du lịch chỉ quen với những sản phẩm có sẵn. Chẳng hạn, Nhà hát Múa rối Thăng Long ngay gần Hồ Gươm luôn có khách tự biết, tự đến xem.
Một cảnh diễn tuồng do Nhà hát Tuồng Đào Tấn thể hiện. Ảnh : Viết Ý-TTXVN. |
Chính vì thế, khó có thể gọi du lịch của Việt Nam là du lịch văn hóa, vì nó thiên về du lịch cảnh. Người ta chỉ khai thác những cái có sẵn trong thiên nhiên hoặc những di tích. Những giá trị phi vật thể trong đó có cổ nhạc chưa được khai thác triệt để. Trong khi nếu làm tốt, mình vừa bảo tồn được cổ nhạc, vừa nuôi sống được nghệ sĩ.
Theo bà cần phải làm gì để phá thế đóng băng đó?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất bây giờ là truyền thông. Nhưng truyền thông không phải chỉ do một mình ngành văn hóa làm mà phải nhiều bộ ngành chung tay để tạo nguồn khán giả. Chẳng hạn, để phát triển khán giả trẻ, chúng ta rất nên duy trì chương trình sân khấu học đường. Mà điều này lại cần sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Quan họ hát loa và xin tiền làm mất vẻ đẹp quan họ.Ảnh : Lê Phú |
Thực ra, cái khó về khán giả trẻ cũng chẳng riêng gì nước ta, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy. Nhưng một chiến lược tôn vinh đồng bộ khiến nó vẫn được xem như quốc hồn, quốc túy.
Bà vừa nói đến sân khấu học đường có thể truyền bá cổ nhạc. Vậy chương trình này hiện mắc ở đâu?
Cái được của chương trình là đưa được nghệ thuật truyền thống đến với thế hệ khán giả trẻ. Nhưng để giới thiệu nghệ thuật tuồng phải có dàn nhạc tuồng, mà dàn nhạc này thì phải đào tạo mất 5 đến 7 năm mới có được. Vì thế, khi hết dự án sân khấu học đường, các em có thể hát đôi câu nhưng muốn biểu diễn đành chịu. Không có dàn nhạc, dự án cũng rơi vào bế tắc. Điều này đặt ra câu hỏi về một đội ngũ được đào tạo lâu năm tại các trường học.
Bà có ấn tượng với kinh nghiệm nước ngoài nào về bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống?
Khi sang Nhật, tôi được đến một cơ sở sản xuất bánh gạo truyền thống. Đầu tiên họ mời chúng tôi ăn thử bánh. Sau đó, chúng tôi được đưa vào xem xưởng sản xuất, các quy trình làm bánh. Chúng tôi cũng được tự làm bánh, ai làm được bao nhiêu thì làm, làm xong còn được mang về.
Bánh ăn cũng không quá đặc sắc, nhưng khách du lịch ai cũng mê vì được sống với cả quá trình làm bánh. Họ cũng đặt mua về nhiều. Nhờ đó, nghề được bảo tồn và làng nghề cũng trở thành điểm du lịch. Bộ Ngoại giao cũng hỗ trợ cho bảo tồn làng nghề. Mỗi khi khách nước ngoài đến, họ lại giới thiệu địa điểm. Cách làm của người Nhật như vậy chứ không để làng nghề truyền thống mạnh ai nấy lo.
Cổ nhạc nước ta đang phải tự lo chứ chưa có chính sách quảng bá tầm quốc gia. Bản thân Rối nước Thăng Long cũng không phải đơn vị làm PR tốt, nhưng họ gặp may do ở vị trí thuận lợi. Và tôi nghĩ, cũng đã đến lúc các cơ quan quản lý cần nghiêm túc xem xét chiến lược này.
Xin cảm ơn bà!
Cầm Trang (thực hiện)