Huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cor”, với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
Các địa phương trong huyện đã tiến hành điều tra các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; tổ chức lễ hội truyền thống, sưu tầm các nhạc cụ dân tộc; tập huấn cho nghệ nhân. Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Thông qua đề án này, huyện đã xây dựng được hệ thống nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng lực lượng nòng cốt kế tục công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong tương lai, việc truyền dạy sáng tạo nghệ thuật truyền thống luôn được chú trọng. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chủ động mời những nghệ nhân có kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy lại cho con cháu những kỹ năng, kỹ thuật đánh cồng chiêng, làm nhạc cụ truyền thống, hát dân ca, các điệu múa.
Nhờ vậy, những nhạc cụ, các làn điệu dân ca tiếp tục được ngân vang, lan tỏa trong cộng đồng, thấm sâu vào thế hệ trẻ hôm nay. Hàng năm huyện bố trí kinh phí để tổ chức các lễ hội truyền thống ở huyện và tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc nhằm giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cor trên địa bàn.
Đồng bào Cor tại huyện Trà Bồng là một trong số ít dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi còn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc đó là các nhạc cụ, cồng chiêng, đàn Bro, đàn Katak, đàn môi, sáo Talía, kèn Amáp và các làn điệu dân ca Xà ru, A giới, Cà lu, Alát, Xaru - xalía…; các trang phục, trang sức, đồ dùng sinh hoạt gia đình. Nhiều nghi lễ, lễ hội như lễ ăn trâu, lễ mừng lúa mới, lễ ngã rạ... được phục dựng, bảo tồn, phát huy và trở thành ngày hội của cộng đồng. Hiện, trên địa bàn huyện còn lưu giữ khoảng 500 bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác.
Nguyễn Đăng Lâm