Bàn cách quy hoạch lễ hội

Ngày 19/7, tại thành phố Hải Dương, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội thảo “Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc” khu vực phía Bắc.


Tại hội thảo, nhiều đại biểu đại diện cho các tỉnh, thành đã thẳng thắn cho rằng, hiện nay nhiều lễ hội đang bị thương mại hóa, nhất là ở phần hội. Phần lễ cũng na ná như nhau, khi thực hiện sân khấu hóa và ít nhiều mất đi bản sắc riêng của mỗi địa phương. Lễ hội thì nhiều nhưng lại không để lại dấu ấn trong lòng du khách. Nhiều lễ hội còn bị hành chính hóa. Các đại biểu cho rằng quy hoạch là cần thiết, để quản lý các lễ hội tránh những hiện tượng tiêu cực nảy sinh, nhưng quy hoạch phải được điều chỉnh linh hoạt sao cho phù hợp với thực tế tại mỗi địa phương...


Hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn lại là các lễ hội khác. Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã nhất quán quan điểm chỉ đạo: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống...”. Từ chỉ đạo này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã xây dựng "Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Mục tiêu của quy hoạch là nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa cho các thế hệ sau. Quy hoạch sẽ phân cấp quy mô tổ chức lễ hội sao cho phù hợp với tình hình thực tế; qua đó bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa về cả không gian, nghi thức, nghi lễ phục dựng; các nhóm lễ hội sẽ được phân nhóm để quy hoạch sao cho phù hợp.


Được biết, sau hội thảo, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện bản quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.


Mạnh Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN