Một bon trải dài 16km
Huyện Đắk G’Long thành lập năm 2005, trên cơ sở chia tách một phần diện tích của huyện Đắk Nông (cũ). Đây là huyện có diện tích tự nhiên rộng, dân cư thưa thớt và là một điểm nóng về tình trạng dân di cư không theo quy hoạch của tỉnh Đắk Nông hiện nay.
Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Đắk G’Long là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước.
Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long cho biết, mặc dù đã được ngành điện và các ngành chức năng quan tâm, ưu tiên nguồn lực để đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, huyện Đắk G’Long vẫn là “vùng trũng” về điện nông thôn so với các huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông.
Mấy năm gần đây, hầu như năm nào huyện cũng có thôn, bon, cụm dân cư được xóa trắng điện lưới quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa xóa hết. Hiện huyện vẫn còn một số thôn, bon, cụm, điểm dân cư tại các xã Quảng Hòa, Đắk Ha, Quảng Sơn… chưa có điện lưới quốc gia.
Theo rà soát của UBND huyện Đắk G’Long vào cuối năm 2021, toàn huyện vẫn còn gần 800 hộ dân chưa có điện và hơn 1.000 hộ dân sử dụng điện tạm bợ, tự kéo, chưa đảm bảo an toàn. Huyện Đắk G’Long hiện có 16.350 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 95% tổng số hộ dân.
Cũng theo UBND huyện Đắk G’Long, việc “xóa mù” điện lưới quốc gia cho các thôn, bon, điểm, cụm dân cư đòi hỏi ngành điện và các ngành chức năng liên quan phải nỗ lực rất nhiều vì chi phí đầu tư lớn, đường dây dàn trải trong khi sản lượng điện tiêu thụ không cao.
Thời gian qua, huyện Đắk G’Long đã được ưu tiên nhiều dự án từ các chương trình xóa vùng trắng điện lưới quốc gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2014 – 2019. Có thể kể đến các dự án cấp điện tại các xã Đắk R’Măng, Quảng Khê, Quảng Hòa… trong các năm từ 2017 đến nay. Hàng nghìn hộ dân tại các thôn, bon, điểm, cụm dân cư tại các địa phương này đã được “xóa mù” điện lưới quốc gia, có điều kiện thuận lợi để sinh hoạt, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Tuy nhiên, cái khó nhất của Đắk G’Long hiện nay là nhiều điểm dân cư, nhiều khu vực vẫn chưa có điện mà nguyên nhân chính là người dân sinh sống dàn trải, rải rác, việc kéo đường dây, đầu tư trạm biến áp tốn kém chi phí và không hiệu quả. Điển hình như bon R’Bút, xã Quảng Sơn hiện có khoảng 900 hộ dân và nhiều khu vực trong bon vẫn chưa có điện. Nguyên do là bon này trải dài khoảng 16km, người dân sống rải rác, phân tán. Các thôn 6, 7, 10 (xã Quảng Hòa); thôn 7, 8 (xã Đắk Ha)… cũng trong tình trạng tương tự.
Cũng theo ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long, trước mắt huyện đã báo cáo cụ thể về thực trạng lưới điện nông thôn và đề nghị ngành điện, ngành công thương khảo sát, ưu tiên nguồn lực để đầu tư mở rộng, cải thiện hệ thống hạ tầng lưới điện để nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia và nâng cao chất lượng nguồn điện tại khu vực này.
Bên cạnh đó, huyện Đắk G’Long cũng phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành khảo sát, kiên quyết xử lý tình trạng người dân cư trú, sản xuất trái phép trên đất rừng, đất quy hoạch là đất lâm nghiệp. Việc đầu tư hệ thống lưới điện được xác định vừa tạo điều kiện để bà con ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất nhưng phải đảm bảo đúng các quy định pháp luật, kiên quyết không tạo “tiền đề” để các hộ dân hợp thức hóa việc lấn, chiếm đất rừng để cư trú, sản xuất.
Cần ưu tiên nguồn lực cho điện nông thôn
Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, nhiều năm qua, hệ thống lưới điện nông thôn tỉnh Đắk Nông liên tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đánh giá một cách tổng thể, hệ thống lưới điện của Đắk Nông hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh tại địa phương và khu vực biên giới.
Thời gian vừa qua, với việc tập trung, ưu tiên các nguồn lực, mỗi năm Đắk Nông đều có thêm nhiều thôn, bon, buôn được “xóa mù” điện lưới quốc gia. Bà con nhân dân được cấp điện ổn định, thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt và tạo điều kiện quan trọng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều cụm, điểm dân cư tại các huyện Đắk G’Long, Krông Nô, Tuy Đức… vẫn còn chưa có điện hoặc hệ thống điện rất tạm bợ, chất lượng thấp. Thêm nữa, danh mục các dự án đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021 – 2025) không có các dự án mở rộng, nâng cấp hạ tầng lưới điện nên việc đầu tư trong giai đoạn tới đây sẽ rất khó khăn.
Theo Sở Công Thương Đắk Nông, tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn tỉnh hiện nay là 99,1%. Trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia là 97,39%, còn lại là sử dụng các nguồn khác (như điện mặt trời, tua bin nước…). Thêm nữa, toàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn hơn 18.000 hộ dân (chiếm tỷ lệ hơn 10% tổng số hộ dân được sử dụng điện) sử dụng điện qua công tơ bán cụm. Nguyên do là các hộ dân này cư trú cách xa đường dây hạ áp, sử dụng điện tạm bợ, chưa đảm bảo chất lượng điện cũng như an toàn điện.
Cũng theo Sở Công Thương Đắk Nông, thời gian qua, ngành điện đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư mở rộng, nâng cấp lưới điện nông thôn. Tỉnh Đắk Nông cũng được Trung ương phân bổ 711 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn giai đoạn 2014 – 2019. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới đầu tư, giải ngân được 139/711 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ gần 20%).
Theo ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, trước mắt, Đắk Nông tiếp tục đề nghị ngành điện ưu tiên đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn trong bối cảnh Đắk Nông là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh, tỉnh là địa phương rất đông đồng bào dân tộc thiểu số cũng như dân di cư không theo quy hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lồng ghép, cân đối, bố trí vốn từ ba chương trình mục tiêu quốc gia (phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; và xây dựng nông thôn mới) để cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn./.