Phát huy mô hình tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp 

Để tạo ra các động lực tăng trưởng và không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần được phân cấp, phân quyền với các quy định rõ ràng.

Chú thích ảnh
Phát huy vai trò và nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước. 

Đưa ra lấy ý kiến từ tháng 3/2024, đến nay Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, cập nhật sửa đổi đến phiên bản thứ 5. 

Tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 10/2024, vẫn có những ý kiến đề nghị Ban soạn thảo dự Luật tiếp thu, sửa đổi, trong đó “nóng” nhất là nội dung vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp cần trở thành vốn của doanh nghiệp, từ đó phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp tự chủ, Nhà nước không can thiệp vào quản trị doanh nghiệp.

Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB cho rằng, việc tách bạch quản lý Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước theo mô hình doanh nghiệp, đơn cử như của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), được đánh giá cao. 

Hơn 18 năm hoạt động của SCIC cho thấy, đồng vốn tại doanh nghiệp do Nhà nước chuyển giao về SCIC đã trở thành vốn của SCIC, được SCIC bảo toàn và phát triển trong vai trò là cổ đông - nhà đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

SCIC đã tiếp nhận 1.080 doanh nghiệp doanh nghiệp (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn Nhà nước hơn 32.339 tỷ đồng; bán vốn tại 1.054 doanh nghiệp (bán hết 950 doanh nghiệp, bán bớt 104 doanh nghiệp, bán quyền mua là 19 doanh nghiệp), thu về 51.668 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn. Giải ngân đầu tư với tổng số tiền 38.779 tỷ đồng, trong đó giải ngân 6.895 tỷ đồng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ vào Vietnam Airlines. Nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) với tổng số tiền 92.823 tỷ đồng.

SCIC đã chứng minh năng lực trong việc thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông Nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn, có tình hình tài chính phức tạp.

Tính đến ngày 30/6, danh mục đầu tư của SCIC có 112 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư của Tổng công ty theo giá trị sổ sách là 53.306 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ của các doanh nghiệp là 182.891 tỷ đồng. “Tư duy của người làm quản lý vốn rất khác tư duy người quản lý nhà nước hành chính. Kinh nghiệm quốc tế để giải quyết kỳ vọng quản lý vốn Nhà nước, có các mô hình với những lời giải khá thú vị”, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết.

Việc triển khai hoạt động đầu tư với vai trò là nhà đầu tư tài chính (đầu tư gián tiếp) của SCIC có những ưu điểm kết hợp được nguồn lực tài chính với kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực quản lý, vận hành dự án của các nhà đầu tư chuyên ngành tham gia đầu tư; SCIC thể hiện được vai trò là “tổ chức đầu tư tài chính, kênh đầu tư của Chính phủ” để dẫn dắt, thu hút các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư phát triển, qua đó thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào nền kinh tế.

Luật số 69/2014/QH13 được ban hành từ năm 2014 nhằm góp phần tạo môi trường pháp lý và tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn Nhà nước ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, nhiều quy định của Luật 69 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.

Trong tờ trình gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/9/2024, Chính phủ đã chỉ ra nhiều hạn chế của Luật số 69/2014/QH13. Đó là, Luật chưa phân định rõ các chức năng: Quản lý Nhà nước, chủ sở hữu vốn và quản trị hoạt động kinh doanh của Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tư vốn; quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt còn nhiều tầng nấc; ngành nghề đầu tư vốn Nhà nước còn bị bó hẹp trong các lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen, công nghệ cao...

(Tin tức/TTXVN)
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại SCIC đến hết năm 2025
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại SCIC đến hết năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 690/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến năm 2025".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN