Theo đánh giá của ngành Công thương Thanh Hóa, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với những hoạch định chiến lược, giải pháp phù hợp, sản xuất Công nghiệp, hoạt động Thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Cơ cấu Công nghiệp – Thương mại chuyển dịch tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) đạt 91.700 tỷ đồng, tăng trưởng 29,5% so với cùng kỳ (tăng thêm 20.867 tỷ đồng). Trong đó Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt 43% công suất, đóng góp tăng trưởng 24,1% (giá trị SXCN), toàn tỉnh đạt 17.042 tỷ đồng và đóng góp 8% /15% kế hoạch tăng trưởng GRDP toàn tỉnh. Thu ngân sách trên địa bàn lần đầu tiên vượt 20.000 tỷ đồng.
Với kết quả đó chỉ số SXCN toàn tỉnh ước tăng 38,9% so với cùng kỳ, gấp 3,85 lần bình quân cả nước, đứng thứ 2 các tỉnh, sau thành phố sau Hà Tĩnh. Thanh Hóa lại tiếp tục dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Một số sản phẩm vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ như: Khí dầu mỏ, xăng, thuốc lá bao, điện sản xuất, hàng may mặc, giày da…Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong năm đã sản xuất 3.246.143 tấn sản phẩm, tương đương 4,5% công suất, đạt giá trị SXCN lọc hóa dầu ước đạt 18.944 tỷ đồng/ kế hoạch 17.042 tỷ đồng.
Số cơ sở sản xuất TTCN tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ước đạt 13.903 tỷ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ, chiếm 14,6% giá trị SXCN toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 36 cơ sở nghề TTCN, 125 làng nghề, đã tạo việc làm cho 65.200 lao động. Thu ngân sách của tỉnh cũng tăng nhanh do có sự đóng góp quan trọng của ngành SXCN. Kết cấu hạ tầng trong phát triển công nghiệp được quan tâm đầu tư và phát triển vượt bậc; hệ thống đường giao thông kết nối với các khu trung tâm kinh tế lớn của khu vực, các tuyến hành lang kinh tế từng bước được đầu tư hiện đại và đồng bộ góp phần tăng thêm lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh trong thu hút đầu tư phát triển.
Toàn tỉnh hiện có 118 dự án đầu tư SXCN đang trong giai đoạn đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 316.033 tỷ đồng. Tổng giá trị thực hiện ước đạt 18.467 tỷ đồng. Trong năm đã thu hút mới 42 dự án SXCN với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng. Trên lĩnh vực thương mại, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 94.270 tỷ đồng (102,5% kế hoạch), tăng 13,3% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước. Chỉ số giá trị tiêu dùng tỉnh Thanh Hóa năm 2018 tăng 3,9% so cùng kỳ (cả nước tăng 3,54%) là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Hoạt động xuất khẩu (XK) của tỉnh trong năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Giá trị XK ước đạt 2.765 triệu USD, vượt 41,8% kế hoạch, tăng 36,1% so cùng kỳ, về trước mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Toàn tỉnh có 137 doanh nghiệp XK, trong đó có 5 doanh nghiệp mới XK ổn định sang 43 thị trường gồm 54 mặt hàng, trong đó có 4 mặt hàng XK mới. Tỷ lệ hàng hóa XK sang thị trường FTA chiếm 76,5%, tăng 13,5% so với năm 2017 đã góp phần tích cực giải quyết việc làm, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, mở rộng thị trường trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Có được kết quả trên, thời gian qua ngành Công thương Thanh Hóa đã thực hiện “3 đột phá”, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại. Ngành đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, khuyến công, các hoạt động tiếp xúc, đối thoại của Cơ quan quản lý Nhà nước với Doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính coi đây là bước đột phá của Ngành trong việc hướng tới sự “công khai minh bạch, dân chủ, trách nhiệm” đối với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp trong thu hút đầu tư. Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong SXKD đạt hiệu quả hơn. Đặc biệt là coi trọng triển khai cuộc vận động toàn dân hưởng ứng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và định hướng cho doanh nghiệp quay về thị trường trong nước, giữ vững các mặt hàng truyền thống, XK sang các nước.
Xác định Công nghiệp – Thương mại là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp thương mại năm 2019, ngành Công thương Thanh Hóa xây dựng chương trình hành động với mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp IIP năm 2019 tăng 40% trở lên, giá trị SXCN đạt 129.000 tỷ đồng, tăng 35,7% cùng kỳ, tương đương 33.935 tỷ đồng, trong đó: Lọc hóa dầu dự kiến đóng góp tăng trưởng 32,3%, tương đương tăng thêm 30.700 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành Công thương Thanh Hóa đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như: Nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu lực quản lý Nhà nước đối với quy hoạch; xây dựng mới các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm; xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm doanh nghiệp có giá trị để có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển. Phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương nhằm tìm kiếm thông tin thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và quốc tế để trợ giúp doanh nghiệp trong tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư; SXKD, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và của các doanh nghiệp. Đổi mới cách nghĩ, cách làm, sáng tạo và quyết liệt, hiệu quả hơn để phát huy những nguồn lực đang có, tạo thành những xung lực mới hiệu quả hơn và bền vững hơn; tăng thêm sức xuân cho xứ Thanh cũng như cho cả nước.